Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn và Luật Địa chất và khoáng sản (sửa đổi)
Ngày 10/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo 'Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản'.
Bổ sung đối tượng Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã
Trong tham luận gửi tới hội thảo, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn để đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 28 điều; giữ nguyên 5 điều; thêm mới 4 điều; bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn năm 2012) đã bổ sung một số nội dung về chức năng, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp đối với công đoàn; bổ sung cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt, đối xử với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn; bổ sung các quy định về quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; hoàn thiện một số quy định về cơ chế tài chính, pháp luật công đoàn... để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng “Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã” vì hiện nay Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã sử dụng nhiều lao động, cần có một tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (trong Dự thảo chưa có); bổ sung đối tượng cá nhân có sử dụng lao động vì đối tượng này có khá nhiều trong thực tế…
Góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), TS Nguyễn Huy Khoa, Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn đề nghị Dự thảo cần quy định cụ thể hơn hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 1 Điều 10: “Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn” để thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.
TS Nguyễn Huy Khoa cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội tại Điều 18 của Dự thảo như: Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 (Điều 9), Luật Bình đẳng giới năm 2006 (Điều 23), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 154), Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 (Điều 46)…
Bổ sung định nghĩa đóng cửa mỏ khoáng sản
Về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, TS Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng Khoa Pháp luật hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận xét, Luật Khoáng sản được ban hành từ năm 2010 đến nay đã qua 14 năm thực hiện, với sự phát triển của kinh tế - xã hội nên nhiều nội dung của Luật không còn phù hợp. Những hạn chế của Luật cản trở hoạt động quản lý nhà nước hiệu quả. Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản 2010 mới chỉ quy định các vấn đề liên quan đến khoáng sản mà chưa có các quy định về địa chất. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra các yêu cầu mới với công tác địa chất, khoáng sản cần được thể chế hóa thành Luật.
Theo TS Nguyễn Ngọc Bích, khoản 17 Điều 3 quy định hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản. Luật đã định nghĩa thăm dò, khai thác là gì nhưng không định nghĩa đóng cửa mỏ, vì vậy Dự thảo cần bổ sung để bảo đảm xác định rõ ràng, minh bạch những hoạt động mà tổ chức, cá nhân phải thực hiện khi đóng cửa mỏ.
Khoản 6 Điều 10 có nhắc đến cụm từ “khoáng sản có giá trị, quý hiếm” nhưng tại Điều 3 không có giải thích khoáng sản có giá trị, quý hiếm là như thế nào nên cần bổ sung để tránh tùy tiện khi áp dụng...
Với hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trực tiếp thực hiện nhiều đề án thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản, PGS.TS Lương Quang Khang (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) nhận xét, với 12 chương, 117 điều, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng công phu, đã kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, cơ bản đồng bộ với các pháp luật liên quan, có tính khả thi, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Tại Điều 7, phân nhóm khoáng sản. Đây là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật lần này và là cơ sở khoa học xuyên suốt cho việc xây dựng nội dung các Chương, Điều, Khoản của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm II (điểm b, khoản 1) bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng cần chính xác lại để phù hợp với Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp tâm huyết và cho biết sẽ tổng hợp để gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.