Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định cụ thể về định giá đất bồi thường
Trong thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu do việc xác định giá đất cụ thể thấp hơn so với giá thị trường, gây thất thu ngân sách Nhà nước, nhiều tiêu cực, tham nhũng. Do đó, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần khắc phục được những bất cập này.
Cần hướng dẫn rất cụ thể về xác định giá đất
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu do việc xác định giá đất cụ thể thấp hơn so với giá thị trường gây thất thu ngân sách Nhà nước, nhiều tiêu cực, tham nhũng. Nguyên nhân việc xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa phù hợp và sát với giá trên thị trường, thị trường quyền sử dụng đất chưa minh bạch.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nêu vấn đề, việc xác định giá đất phổ biến quy định tại Khoản 2 Điều 153 Dự thảo Luật đất đai: "Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác".
"Tuy nhiên, thực tế việc xác định giá đất phổ biến rất khó khăn, phức tạp do giá đất phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường (một số khu vực không phát sinh giao dịch, chuyển nhượng). Do đó, đề nghị không quy định khoản này tại Luật Đất đai mà quy định tại nghị định, thông tư kèm theo hướng dẫn cụ thể, chi tiết", ông Trần Anh Dũng nêu ý kiến.
Theo quy định hiện hành khi xác định giá đất cụ thể theo phương pháp thặng dư được hướng dẫn tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT thì việc ước tính tổng chi phí phát triển được xác định trên cơ sở căn cứ vào định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, thực khi áp dụng định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì các đơn giá, định mức không có phạm vi áp dụng để xác định giá đất cụ thể. Do đó, đề nghị khi ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cần quy định cụ thể những đơn giá, định mức được áp dụng cho mục đích xác định giá đất cụ thể.
Cũng nêu ý kiến về việc định giá đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã giải thích về nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường nhưng trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường để phục vụ công tác xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn do không có cơ sở xác nhận tính trung thực của người cung cấp thông tin về giá đất. Việc áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều địa phương.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa đề nghị cơ quan soạn thảo Luật nghiên cứu quy định cụ thể và có định lượng về các nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để có thể lượng hóa như thế nào là giá đất xuất hiện với tần suất nhiều nhất, xuất hiện trong khoảng thời gian nhất định là trong bao lâu…
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Đình Văn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho biết, dự án Luật Đất đai sửa đổi chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất, trong khi đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc xác định được giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Vì vậy, đại biểu đề nghị có quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật về phương pháp xác định giá đất cụ thể để đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường, đưa ra các chế tài đối với các đơn vị, cá nhân tư vấn xác định giá đất được ràng buộc trách nhiệm, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác này.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề nghị cần chú ý đến các quy định có liên quan đến Luật Giá, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm đảm bảo tính nhất quán, thống nhất với hệ thống phương pháp định giá chuyên ngành, tiêu chuẩn được quy định tại hệ thống tiêu chuẩn định giá tài sản của Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP cho rằng, Điều 153 dự thảo Luật Đất đai quy định việc định giá đất phải bảo đảm 5 nguyên tắc. Tuy nhiên, cần phải xem xét các nguyên tắc trên đã phù hợp với thị trường bất động sản và thực tế đời sống hay chưa, bởi việc định giá đất cần phải đảm bảo tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đất đai trong thời gian tới, từ đó giảm thiểu được tình trạng lệch pha cung cầu mà thị trường đang gặp phải.
Về bảng giá đất, theo Luật sư Hậu, dự thảo quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh được giá thị trường, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, dẫn đến khiếu kiện khi nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, ông Hậu đề nghị ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm, 3 năm hoặc 2 năm một lần. Đồng thời, do thị trường tại vùng nông thôn và thành thị có sự khác biệt, đề xuất áp dụng quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.
Đề xuất định giá đất do đơn vị độc lập thực hiện
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để công tác định giá đất sát với giá thị trường cần phải có: Cơ sở pháp lý (Luật, văn bản dưới Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định) minh bạch, rõ ràng tuân thủ đúng quy luật sự hình thành và vận động của giá cả trong nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế; đội ngũ cán bộ thực thi có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp; cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho công tác định giá có độ tin cậy, chuẩn xác; có sự giám sát, thanh tra, kiểm tra đầy đủ; có chế tài xử phạt nghiêm minh.
Theo đó, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với giá thị trường, đó là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện.
Theo kinh nghiệm của các nước, các tổ chức định giá đất chuyên nghiệp, độc lập, thuộc các thành phần kinh tế, không thuộc bộ máy hành chính Nhà nước. Có vai trò quan trọng trong việc định giá đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả định giá của mình. Các tổ chức định giá đất độc lập sẽ thực hiện những hoạt động cụ thể ở từng địa phương như xây dựng bảng giá đất trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xác định giá đất cụ thể đối với từng trường hợp pháp luật quy định.
Các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong "Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam" bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát quy trình định giá đất, tăng cường sự giám sát, tính công khai trong quá trình định giá và có cơ chế xử lý những trường hợp định giá thiếu trung thực.
GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: Dự thảo luật đã tạo cơ chế cho tổ chức tư vấn xác định giá đất để tư vấn định giá, hội đồng thẩm định giá đất để thẩm định giá, sau đó UBND quyết định công bố giá đó.
Tuy vậy, để có thông tin đầu vào làm cơ sở khuyến cáo định giá đất sát thực tế nhất, GS. TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, dự thảo luật cần cân nhắc bổ sung quyền cho tổ chức tư vấn xác định giá đất được tiếp cận với thông tin định giá đất từ các cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức này có trách nhiệm bảo đảm kết quả tư vấn độc lập, khách quan, trung thực theo phương pháp được tổ chức này lựa chọn. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định đánh giá, kiểm tra, thẩm định các kết quả xác định giá đất từ tổ chức khác nhau và lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp nhất.