Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Chiều 22/4, tại Hà Nội diễn ra hội thảo 'Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt' do Báo Nhân dân tổ chức.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: nhandan.vn
Hội thảo tập trung phân tích sâu rộng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, những rào cản hiện nay và giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp để hoàn thiện thêm cho Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2025.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết: Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng, tăng thuế có thể đem lại hiệu quả ngân sách trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại có nguy cơ làm giảm giá trị tăng thêm, kéo theo giảm thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tổng hòa lợi ích giảm sút. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu tăng thuế nhanh sẽ ảnh hưởng tới ngành, việc làm, an sinh xã hội và các ngành phụ trợ như bao bì, vận tải, du lịch…
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không nên tập trung vào mục tiêu tăng thu ngắn hạn, mà cần hướng tới nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, cần tính toán lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp; xem xét giãn thời điểm áp dụng luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích ứng và chuyển đổi sản xuất.
Bên cạnh đó, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như: bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái, hàng giả; nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và doanh nghiệp; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương…. Đồng thời, đồng bộ với các luật liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quảng cáo, Luật Giá trị gia tăng, Luật Chất lượng sản phẩm-hàng hóa… Quan trọng nhất là nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, đóng góp dài hạn cho ngân sách.
Ở góc nhìn của tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, lộ trình tăng thuế nên được thiết kế hợp lý, vừa phải, không gây sốc cho thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng. Chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội.
Phản ánh tiếng nói từ các doanh nghiệp thành viên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam bày tỏ, để bảo đảm cả 3 mục tiêu: sức khỏe, tăng thu ngân sách, mục tiêu kinh tế-xã hội khác, các chính sách cần hài hòa các mục tiêu, đặc biệt, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cần phải quan tâm tới “sức khỏe” của doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu. Khi đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần xem xét các tác động toàn diện, lan tỏa kinh tế-xã hội, hành vi; bối cảnh quốc tế, kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư và kinh nghiệm quốc tế.