Góp ý về Quỹ văn hóa Thủ đô

Bà Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Quỹ văn hóa Thủ đô sẽ góp phần bổ sung một phần đáng kể, nếu chúng ta có nguyên tắc thành lập phù hợp, cơ chế huy động, quản lý và vận hành tốt, bởi lúc đó sẽ huy động được nguồn lực từ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài Thủ đô, trong nước và nước ngoài.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Cần thiết thành lập "Quỹ văn hóa Thủ đô". Ảnh: Khánh Huy

Cần thiết thành lập "Quỹ văn hóa Thủ đô". Ảnh: Khánh Huy

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, với mục đích thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai từ khá lâu và đem lại những kết quả đáng kể: nhiều di sản văn hóa phi vật thể được phục dựng và phát triển; nhiều di tích tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị; nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức; các thiết chế văn hóa được nâng cấp…

Chỉ nói riêng trong lĩnh vực di sản, Hà Nội có 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Những di sản cần được nghiên cứu, bảo quản, tu bổ, tôn tạo… nên nếu thực hiện hàng năm, sẽ tốn một lượng kinh phí khổng lồ. Vậy nếu bao gồm các hoạt động văn hóa khác, chắc chắn ngân sách sẽ không thể gánh nổi.

Bà Đoàn Thị Tố Uyên cho biết thêm, chúng ta đã bàn đến hợp tác công - tư và chắc chắn sẽ có thêm nguồn kinh phí từ các cá nhân, doanh nghiệp; tuy nhiên, tư nhân sẽ chỉ cơ bản hợp tác đối với những dự án có khả năng khai thác hoặc có lợi về kinh tế, còn lại phần lớn vẫn sẽ trông chờ kinh phí từ Nhà nước, nếu không có thêm những nguồn khác. Trong trường hợp ấy, Quỹ văn hóa Thủ đô sẽ góp phần bổ sung một phần đáng kể, nếu chúng ta có nguyên tắc thành lập phù hợp, cơ chế huy động, quản lý và vận hành tốt, bởi lúc đó sẽ huy động được nguồn lực từ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài Thủ đô, trong nước và nước ngoài.

Việc thành lập quỹ không phải chưa từng có tiền lệ: tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực cho hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh (trong Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế).

Ở nước ngoài, các quỹ văn hóa được thành lập ở nhiều quốc gia, nhiều bang, thành phố của các nước. Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đều biết đến Quỹ bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt 20 năm qua, với 16 dự án bảo tồn được thực hiện và Việt Nam chỉ là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ Quỹ này.

Tại Điều 10 của Luật Di sản văn hóa quy định: “mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa”, nhưng bảo vệ bằng các nào thì không đề cập và hướng dẫn. Bà Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, giới thiệu cho các em học sinh về mục đích thành lập Quỹ và giáo dục ý thức tiết kiệm tiền để đóng góp vào Quỹ là biện pháp cụ thể và đơn giản nhất.

Theo bà Đoàn Thị Tố Uyên, khi thành lập Quỹ văn hóa Thủ đô sẽ có tác dụng và ý nghĩa như: Huy động, tập trung được nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước; Dễ huy động vì hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người (không có số tiền tối thiểu và tối đa); Góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản, phát triển văn hóa cho cộng đồng (nhất là lứa tuổi học sinh); tạo sự chủ động, kịp thời trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động sáng tạo, phát triển văn hóa và sở hữu các tài sản văn hóa…

“Để thực hiện tốt và hiệu quả 3 nội dung trên, HĐND thành phố Hà Nội cần được phân quyền quy định việc thực hiện; quyết định biện pháp khuyến khích đầu tư, nội dung, phương thức phối hợp trong hợp tác; cơ chế tổ chức và hoạt động của Quỹ”, bà Đoàn Thị Tố Uyên nhấn mạnh.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gop-y-ve-quy-van-hoa-thu-do-356146.html