GS Hoàng Tụy: Người truyền cảm hứng vĩ đại
Thầy Hoàng Tụy đạt đến mức độ có tài năng truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để đi vào toán học, khoa học và giáo dục.
Ngày 14-7, trái tim của GS Hoàng Tụy, người đầu tiên trên thế giới nhận giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội quốc tế tối ưu toàn cục đề xướng năm 2011 đã ngừng đập ở tuổi 92.
“Lát cắt Tụy” (Tuy’s cut)
GS Hoàng Tụy sinh ngày 27-12-1927 ở Xuân Đài, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Các anh em ông có bảy người đỗ đạt thì năm người là GS đại học nức tiếng ở nhiều lĩnh vực như Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Chúng, Hoàng Tụy (toán học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật)… Lần giở xa hơn nữa, ông còn là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, em trai của Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu.
Năm 1951, khi đang dạy tại Trường Trung học Lê Khiết ở Liên khu 5, được tin TS toán học Lê Văn Thiêm đã rời Thụy Sĩ trở về Việt Bắc dạy tại Trường Khoa học cơ bản, Hoàng Tụy liền xin phép cơ quan tới Tuyên Quang thụ học TS Thiêm. Đến Tuyên Quang, nghe tin TS Thiêm đã sang Trung Quốc, ông tiếp tục vượt biên giới Việt-Trung đến khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc) để thực hiện ước mơ tầm sư học đạo của mình.
GS Hoàng Tụy bắt đầu tạo được tiếng vang trong làng toán học vào năm 1964 khi trình bày tại Phân viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Novosibirsk cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội. Công trình đưa ra một lát cắt độc đáo mà về sau được giới toán học thế giới gọi là “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut). Nhờ đó ông được ghi nhận là cha đẻ của lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization) trong toán học ứng dụng. Trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s cut” (lát cắt Tụy) mang tên ông.
“Người thầy vĩ đại”
Nhắc đến người thầy của mình, GS-TS khoa học Trần Văn Nhung (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) dẫn lại câu nói của William A.Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Từ đó ông khẳng định: “Thầy Hoàng Tụy đạt đến mức độ có tài năng truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để đi vào toán học, khoa học và giáo dục”.
Theo GS Trần Văn Nhung, từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, GS Hoàng Tụy đã cùng các nhà toán học tiền bối khác như Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cảnh Toàn, Phan Đình Diệu… xây dựng chiến lược phát triển toán học Việt Nam cho giai đoạn 1970-1990. Nhờ đó, chỉ trong vòng 10 đến 20 năm, toán học Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Một số lĩnh vực đã vươn lên và có uy tín cao trên thế giới.
GS Trần Văn Nhung cũng kể lại, ngay từ những năm 1963-1964, khi còn đang học lớp 8, lớp 9 ở quê, ông đã được biết đến tên thầy Hoàng Tụy và thầy Lê Hải Châu qua các sách giáo khoa toán phổ thông. Với ông, những cuốn sách giáo khoa phổ thông môn toán ngày ấy rất mỏng, rất cơ bản, súc tích và chắt lọc nhưng vẫn cung cấp cho học sinh đủ kiến thức cần thiết.
“GS Hoàng Tụy là một trong những nhà toán học và nhà sư phạm xuất sắc, thể hiện qua nghiên cứu khoa học, giảng dạy, diễn thuyết, viết sách và trong các đề xuất, chủ trương cải cách và phát triển nền toán học, khoa học và giáo dục nước nhà” - ông đúc kết.
Đã yêu nước phải biết dấn thân
Khoảng một tháng trước khi GS Hoàng Tụy qua đời, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách Xin được nói thẳng của ông nhưng ông không thể tham dự vì sức khỏe không cho phép.
Tại đây, GS Hà Huy Khoái, người từng có nhiều năm gắn bó với GS Hoàng Tụy đã nói: “Sẽ không thể thấy hết lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục nếu chỉ đọc các bài viết của ông mà phải trực tiếp nghe ông nói. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với những quan điểm nào đó của ông nhưng không ai không cảm động trước sự nhiệt tình của GS bởi ông như đang giãi bày tâm sự sâu nặng của chính mình. Và dường như trong từng lời nói ấy có cả sự day dứt của một con người khi chưa hoàn thành được ước nguyện nào đó của cuộc đời”.
Còn GS Pierre Darriulat (nhà khoa học Pháp) thì cảm động chia sẻ: “Cho đến khi tuổi già sức yếu nhưng những lo lắng của ông không phải về bản thân mình mà hầu hết là vì vận mệnh tương lai của đất nước”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ suốt đời ông đã cống hiến rất nhiều cho giáo dục, đặc biệt là toán học. Nhưng trong các lĩnh vực khác, GS vẫn luôn đặt sự quan tâm, tình yêu đất nước và trách nhiệm với xã hội vào trong suy nghĩ của mình. “GS luôn căn dặn chúng tôi đã là người trí thức, muốn đóng góp cho đất nước thì phải có tinh thần dấn thân, cống hiến tối đa cho sự phát triển của Việt Nam” - bà Lan nói.
Trái tim nhà khoa học Hoàng Tụy đã ngừng nhịp đập nhưng nói như TS Khuất Thu Hồng, những hạt mầm mà ông đã dày công gieo trồng ấy vẫn đang ngày một phát triển và có sức sống mãnh liệt cho đến ngày nay và cả những ngày sau.
Cùng với GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy đã có đóng góp lớn trong việc thành lập và xây dựng Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam. Ông là tác giả của gần 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học.
Cuốn chuyên khảo gồm phần lớn những thành tựu nghiên cứu của ông và học trò mang tên Global Optimization - Deterministic Approaches (Tối ưu toàn cục - Tiếp cận tất định) được Springer (nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới) in lại ba lần từ năm 1990 đến năm 1996, được coi là kinh điển trong lĩnh vực tối ưu toàn cục.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/gs-hoang-tuy-nguoi-truyen-cam-hung-vi-dai-846252.html