GS. NGND Hà Minh Đức với hồi ký về một thế hệ vàng các nhà báo Việt Nam

90 tuổi với 98 cuốn sách, dự kiến sẽ dừng lại ở cuốn 101, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS. NGND) Hà Minh Đức quả thực có rất nhiều chuyện để kể, về đời, về nghề, về con người, về cuộc sống. Trong đó, ông rất cởi mở chia sẻ về cuốn hồi ký 3 tập 'Thời gian và nhân chứng' - là kết quả của tâm huyết của ông và các cộng sự trong hơn 10 năm, ghi lại hành trình nghề nghiệp, những kinh nghiệm làm báo quý báu, những kỷ niệm đáng nhớ của hơn 40 nhà báo có tên tuổi trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam mà ông gọi đó là 'một thế hệ vàng'.

1. Căn gác tầng 2, trong ngôi nhà nhỏ ở phố Vĩnh Hưng, là nơi GS. NGND Hà Minh Đức tiếp đón bạn bè hằng ngày với những câu chuyện về báo chí, về cuộc sống, con người, về những cuốn sách đã, đang và tiếp tục sẽ được xuất bản thời gian tới. Người thầy đáng kính của biết bao thế hệ sinh viên báo chí, với sức viết không ngừng, trí nhớ và sự mẫn tiệp đáng nể đã cuốn người nghe vào những kỷ niệm khi ông cùng đồng nghiệp triển khai thực hiện cuốn hồi kí ý nghĩa này.

“Chưa bao giờ kể cả những niềm vui trong tuổi trẻ lại khiến trái tim người cao tuổi xúc động đến thế…” - Giáo sư Hà Minh Đức bắt đầu tâm tình.

Để có được bộ sách quý “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) gồm 3 tập, GS. NGND Hà Minh Đức chia sẻ rằng, ngay khi bắt đầu giữ chức Trưởng khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông đã nghĩ đến việc khai thác hồi ký của các nhà báo lão thành, các nhà báo có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp, có nhiều đóng góp cho báo chí cách mạng nước nhà.

 GS.NGND Hà Minh Đức trao đổi cùng PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ về nghề nghiệp.

GS.NGND Hà Minh Đức trao đổi cùng PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ về nghề nghiệp.

Vẫn giọng nói đầy hào sảng của một người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, GS. NGND Hà Minh Đức kể rằng, thời kỳ đó ông dạy một lớp tại chức của Khoa Văn tại Báo Nhân Dân. Trong giờ nghỉ, ông thường ra ngồi ở bệ xi măng ở gốc cây đa và thỉnh thoảng lại thấy các nhà báo đi lại làm việc.

Trong khoảng hai tuần lễ, ông nhận ra rằng hàng chục nhà báo tiêu biểu như nhà báo Quang Đạm, Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Trần Kiên, Hà Đăng, Hồng Hà, Hà Xuân Trường, Phan Quang “toàn là những nhà báo giỏi, nhưng thường chỉ làm việc và cống hiến, ít có thời gian nhắc về công việc và cuộc đời làm nghề, chỉ có nhà báo Phan Quang hồi đó đã viết nhiều sách báo về báo chí, có nhiều tổng kết về cuộc đời nghề nghiệp của mình”.

“Tôi đã đọc những bài viết tác phẩm của ông, cảm phục tài năng của ông. Cây bút như một dòng sông chảy giữa đôi bờ văn học và báo chí. Tôi nghĩ lấy ông Phan Quang làm chuẩn… rồi bắt đầu cân nhắc lựa chọn những gương mặt tiêu biểu khác để thực hiện ý tưởng này…

Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy thực sự rất may mắn vì đã gặp được một thế hệ vàng các nhà báo ở tuổi cao niên. Trong các nhà báo đã được mời viết hoặc có người ghi đã có 15 nhà báo ở tuổi 70, bảy người ở tuổi trên 75. Cao tuổi nhất có nhà văn Thanh Châu 78 tuổi, Xích Điểu 77 tuổi, Quang Đạm 76 tuổi… Được gặp một thế hệ vàng các nhà báo, phải ghi lại hồi ký của các nhà báo đó là một mệnh lệnh của cuộc sống và cũng của riêng tôi” - GS. NGND Hà Minh Đức xúc động nói thêm.

Dù vậy, từ mệnh lệnh đến hiện thực cũng trải qua nhiều câu chuyện buồn vui. Ông bảo: Lúc đó khó khăn lắm vì cần phải huấn luyện được đội ngũ cộng sự là các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trẻ, các sinh viên xuất sắc đang theo học năm cuối trong trường để họ nắm được yêu cầu về nội dung, phương pháp tiếp cận, phỏng vấn, cách thức kiểm chứng các tư liệu… Rồi các điều kiện đi lại, công cụ, phương tiện làm việc cũng nhiều thiếu thốn.

Ngay cả việc liên hệ, tiếp xúc và làm việc với các nhà báo cũng gặp không ít khó khăn. Phải làm sao thuyết phục được các nhà báo cao tuổi có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm về tri thức của mình. Có người rất giản dị, thân thiện, sẵn sàng dành thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ trẻ làm việc. Có người nhận lời rồi tự viết và chuyển văn bản đến tận tay người đặt bài. Nhưng cũng có người do bận công việc hoặc do tuổi cao, sức yếu, hoặc do những lý do tế nhị nào đó nên các cộng sự phải dày công lắm mới hoàn thành được nội dung theo kế hoạch.

Với một số nhà báo lão thành, GS. NGND Hà Minh Đức phải trực tiếp đi gặp, thực hiện việc đặt hàng hay phỏng vấn. Cá biệt, có trường hợp, nữ cán bộ được giao việc cất công đi cả ngàn cây số rồi trở về tay không… Có những bài viết rất nhanh, rất suôn sẻ nhưng cũng có những bài phải rất vất vả, tốn thời gian, công sức, tài chính, thậm chí phải gặp đi gặp lại mới xong.

Kể lại những câu chuyện ấy để càng thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả mà Giáo sư Hà Minh Đức và các cộng sự đã nếm trải trong hơn 10 năm thực hiện bộ sách “Thời gian và nhân chứng”, càng thêm trân quý những giá trị quý báu, ý nghĩa to lớn mà bộ sách đã mang lại cho giới báo chỉ nước nhà và người đọc rộng rãi trong cả nước.

Đến đây, tôi lại nhớ đến nhận định của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - một trong số những nhà báo được lựa chọn trong cuốn Hồi ký: “Con đường đến với nghề báo của 43 nhà báo trong 3 tập sách này hoàn toàn không giống nhau. Có người khi làm cách mạng được tổ chức phân công làm báo; Có người đến với báo một cách ngẫu nhiên vì một vài bài viết ngẫu hứng được một tờ báo đăng, rồi từ đó say mê viết báo cả đời; Có người do ý thức được nuôi dưỡng ngay từ khi vào học đại học đã ấp ủ ước muốn sau khi ra trường được làm báo, viết văn...

Khi đã là nhà báo thực thụ, thì việc viết báo đã trở thành đòi hỏi tự thân giống như cơm ăn, nước uống và khí trời để thở hằng ngày. Tình yêu nghề báo, yêu từng con chữ, từng tít bài, từng sản phẩm báo chí đã trở thành máu thịt đời mình…”.

2. Là chủ biên, người chứng kiến và tham gia trực tiếp vào công việc biên soạn bộ sách từ ngày đầu cho đến khi hoàn thành, khởi đầu từ năm 1990, Tập I xuất bản năm 1994, Tập II năm 1997 và Tập III năm 2000, ông bảo, bộ sách đã ghi lại được hoạt động báo chí, kinh nghiệm, tri thức, trải nghiệm của 43 nhà báo tiêu biểu từ nhiều môi trường hoạt động, nhiều trách nhiệm, nhiều phong cách sáng tạo khác nhau và đều mang những bài học giá trị cho các thế hệ hôm nay. Những cống hiến của các nhà báo lão thành với nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã trở thành di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

“Tôi đã tìm hiểu nghiên cứu và thấy mình đứng trước một cơ hội, một trách nhiệm lớn mà mình có thể làm được và không được từ chối. 43 nhà báo tiêu biểu tất cả đều ở tuổi ngoài bảy mươi, sáu mươi, trừ bốn nhà báo ở tuổi trên dưới 50. Thời cơ gấp rút. Chậm một vài năm số lượng ấy sẽ không còn nguyên vẹn, công việc sẽ khó khăn và có thể dang dở. Phải 10 năm trước từ khởi điểm 1990 cho đến 2000 cho ba tập” – GS. NGND Hà Minh Đức vẫn thổn thức khi nhắc đến cơ hội đặc biệt năm ấy.

Và thật may mắn cho báo chí nước nhà khi ông đã quyết tâm nắm bắt thời cơ đó, để thế hệ hôm nay có được một kho tài liệu quý giá, là cẩm nang gối đầu giường cho biết bao thế hệ. Đúng như đánh giá của GS. Tạ Ngọc Tấn: “Việc tiếp cận được với các nhà báo và mời nhà báo viết câu chuyện này, giữ lại kỷ niệm cho thế hệ chúng ta hôm nay và cho mai sau có công rất lớn của GS Hà Minh Đức. Giáo sư là một nhà khoa học lớn, vừa có tâm, có tầm, có nhiều công trình nghiên cứu lớn. Chúng ta rất cám ơn thầy với ý tưởng, công lao ấy để đội ngũ làm báo ở các thế hệ luôn phấn đấu, noi theo”.

Quả thực, với những người làm báo hôm nay khi được tiếp cận cuốn Hồi ký này đều xúc động bởi năm tháng qua đi, ký ức về những sự kiện mắt thấy tai nghe, kỷ niệm một thời làm báo của nhiều “cây đại thụ” của làng báo Việt Nam lại được “sống” trên các trang giấy, tiếp tục được khắc họa, tái hiện một cách trung thực, sinh động trong suy ngẫm của lớp lớp những người làm báo trẻ.

Trước thềm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, người thầy giáo đã dìu dắt biết bao thế hệ nhà báo chỉ có một tâm niệm: “Nhà báo hoạt động và ở giữa cuộc đời. Quan tâm tìm hiểu, phát hiện, phân tích, ghi chép là điều hằng ngày phải chú ý. Những chuyện thời sự qua nhanh nhưng vẫn có dấu ấn và từ trong quá khứ có thể trở về là tư liệu hữu ích và quan trọng. Những trang viết của 43 nhà báo và cuộc đời làm báo của mình là vốn quý, đem lại những kinh nghiệm bài học cho hôm nay, từ quá khứ xuôi chảy về tương lai và chắc chắn sẽ tiếp thêm sinh lực mới cho thế hệ trẻ tiếp bước”…

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gs-ngnd-ha-minh-duc-voi-hoi-ky-ve-mot-the-he-vang-cac-nha-bao-viet-nam-post300112.html