GS. NGND Nguyễn Lân Dũng và câu hỏi Học để làm gì?

Tôi thường xuyên được mời đi nói chuyện về kỹ năng sống với học sinh tại các trường phổ thông trung học. Mở đầu câu chuyện, tôi thường hỏi các em: 'Học để làm gì?'.

Tôi rất ngạc nhiên khi phần lớn các em trả lời: “Học để vào đại học như mong muốn của cha mẹ”, “học để làm vui lòng phụ huynh”.

Học để trở thành người tự do

Cánh cửa vào các trường đại học và cao đẳng ngày càng rộng mở nhưng làm sao thu nạp được hết gần 900.000 học sinh lớp 12 vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua?

Theo thống kê, chỉ khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT có cơ hội được tiếp nhận giáo dục đại học. Nghĩa là, còn khoảng 70% các bạn trẻ phải đi theo hướng học nghề hay trực tiếp tham gia khởi nghiệp, kể cả các công việc đơn giản như tiếp thị, bán hàng hay tạm thời tham gia đội ngũ xe ôm công nghệ… Đó là chưa kể con số gần 300.000 cử nhân, kỹ sư không có công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Vậy ở các nước khác thì sao? Nước ngoài, người ta cho rằng: “Học để trở thành con người tự do”. Tự do tư tưởng chứ không bị áp đặt bởi người khác. Tự do thực hiện từng bước kế hoạch mà mình đã đặt ra nhằm tiến tới mục tiêu dài hạn của bản thân. Tự do kiến tạo nên hạnh phúc của đời mình, của gia đình mình. Tự do lựa chọn điều mình yêu, tự do thức tỉnh theo những giấc mơ. Đồng thời, tự do lựa chọn ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề phù hợp với 1 trong 8 trí thông minh đã được các nhà khoa học xếp loại.

GS. Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: NVCC)

Nhìn lại, thực tế ở nước ta, có rất nhiều em không tự quyết định ngành nghề cho mình mà chỉ nhắm mắt theo lựa chọn của cha mẹ. Các bậc phụ huynh thường áp đặt khi chọn nghề cho con. Đó là lý do nhiều em chán học vì ngành nghề do bố mẹ chọn không phù hợp với năng khiếu và nguyện vọng của bản thân mình.

Tôi mới đọc một quyển sách rất hay của bạn trẻ Đinh Tuấn Ân: “Giá như tôi biết những điều này trước khi thi Đại học”. Khi đã học hết năm thứ ba Đại học Ngân hàng, Ân quyết định bỏ học rồi cùng hai người bạn mở ra một cửa hàng sản xuất và bán tàu hũ. Ý tưởng này nảy sinh chỉ sau một lần đi qua cửa hàng KFC và tự nghĩ: Tại sao chỉ có chiếc đùi gà rán mà ông già này đã có cửa hàng trên khắp thế giới?

Vượt qua bao khó khăn ban đầu, Ân và bạn đã thành công khi trở thành chủ nhân của một chuỗi cửa hàng tàu hũ với 22 loại hương vị khác nhau trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và với quyết tâm mở rộng ra khắp địa bàn trong cả nước, trước khi tung ra thế giới.

Ân tâm sự: Trong cuộc sống nếu suốt ngày bạn chỉ muốn ngồi một chỗ than vãn và hy vọng điều may mắn sẽ tìm tới bạn thì tôi nghĩ, trong phần lớn các trường hợp bạn sẽ mãi mãi chỉ là một kẻ thất bại.

Cần những cú “lột xác”

Trong các cuộc trò chuyện của mình với học sinh, tôi kể cho các em nghe thời tôi vào đại học (1954) ở miền Bắc chỉ có hai trường Sư phạm và một trường Đại học Y – Dược. Tôi vào học ngành Sinh học nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học tôi được giữ lại trường và phải dạy ngay từ Khóa I của Đại học Tổng hợp một môn học mà tôi chưa hề học qua, đó là môn Vi sinh vật học. Tôi đã tự phấn đấu vươn lên để trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này, đã tự học để có thể sử dụng tới 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung).

Tôi lại kể cho các em nghe đời người ngắn ngủi, hãy sống sôi nổi từng ngày, không sợ khó khăn, không bao giờ quên ta đang đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi kể về thói quen ghi chép và suy nghĩ về các danh ngôn, các sách về kỹ năng sống.

GS. Nguyễn Lân Dũng trò chuyện cùng học sinh về kỹ năng sống. (Ảnh: NVCC)

Tham gia chương trình "Sinh ra từ làng", tôi biết hàng trăm thanh niên nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú ngay tại quê hương và sống rất hạnh phúc, đâu phải tất cả đều cần vào đại học.

Tiêu biểu là hai thanh niên đang làm thay đổi dần cả bộ mặt Tây Nguyên nước ta: Trịnh Xuân Mười đã sang Australia và lấy được giống bơ Australia (bảo quản lâu để có thể xuất khẩu) và từng bước thay thế cho cây muồng đang dùng làm cây che bóng cho cà phê trên khắp Tây Nguyên.

Đó là Nguyễn Văn Bình, người đã học được kinh nghiệm của Indonesia về kỹ thuật thu hút để có thể nuôi chim yến trong nhà. Anh đã đưa công nghệ này lên các tỉnh Tây Nguyên với mong ước mỗi nhà có thể thu hoạch thêm vài trăm triệu đồng bên cạnh việc trồng cà phê và hạt tiêu mỗi năm. Có thể nói, khả năng khởi nghiệp và làm giàu ngay trên quê hương mình thật cụ thể, thật phong phú và rất dễ học hỏi.

Đây chỉ là những ví dụ điển hình tôi kể cho các em học sinh nghe. Nếu chỉ để tốt nghiệp trung học phổ thông, vào đại học đúng ý nguyện cha mẹ thì các em cần gì “lao công khổ tứ” học ngày đêm và tìm mọi cách học thêm, học các bài văn mẫu. Thực tế, nhiều em đã suy sụp, thậm chí trầm cảm vì học.

Chúng ta không quên hiện nay có hàng trăm nghìn cử nhân, kỹ sư không tìm được việc làm tương xứng với học lực. Nhiều em phải giấu bằng đại học đi làm công nhân. Không ít em đành khoác áo mũ lái xe ôm công nghệ. Nếu biết thế thì mất bốn năm học đại học làm gì?

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 biết bao thách thức, nhất là ai cũng có thể thất nghiệp. Nhưng cũng tràn đầy cơ hội, nếu lớp thanh niên có ý chí phấn đấu, có sức khỏe, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin. Hơn hết, các em cần “lột xác”, tạo ra những cú huých cho bản thân để phù hợp với thời đại.

Với hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia sẽ mở ra cơ hội để không ít thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu với khả năng tham gia học tập và lao động ở rất nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gs-ngnd-nguyen-lan-dung-va-cau-hoi-hoc-de-lam-gi-96970.html