Gương sáng gia đình người Mông

Hành trình đi tìm con chữ của những học sinh miền sơn cước tỉnh Nghệ An thực sự rất gian nan và vất vả. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn, trở ngại đó, gia đình anh Thò Bá Rê (SN 1979) ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hiện đã có 4 thạc sĩ, và sắp tới sẽ có 6 thạc sĩ.

Gian nan hành trình đi tìm con chữ

Thò Bá Rê là một trong những người Mông đầu tiên ở huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) có bằng đại học chính quy. Anh cũng là người con đầu tiên của quê hương xã Đoọc Mạy được đi học đại học. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và những đòi hỏi của công việc, Thò Bá Rê đã đăng ký theo học và nhận bằng chuyên ngành Thạc sỹ Quản lý kinh tế vào năm 2021.

Thạc sĩ Thò Bá Rê luôn phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương, giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Mông nơi miền biên viễn của xứ Nghệ.

Thạc sĩ Thò Bá Rê luôn phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương, giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Mông nơi miền biên viễn của xứ Nghệ.

Xã Đoọc Mạy là vùng đất đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn. Vì thế, để theo đuổi việc học, ngay từ khi mới bước vào lớp 3, Thò Bá Rê đã phải băng rừng, lội suối quãng đường 20km sang tận xã Na Loi (huyện Kỳ Sơn) kề bên để tiếp tục hành trình đi tìm con chữ.

Lên lớp 6, cậu học trò người Mông này lại phải cuốc bộ vượt quãng đường rừng gần 70km từ nhà để xuống thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) để theo học.

Chia sẻ bí quyết học tập, Thò Bá Rê nhớ lại: Hồi ấy, ở bản mình cũng có 1 bạn theo học lên lớp 6. Hai đứa dậy từ khi trời còn tối, đùm cơm, vác gạo rồi bẻ cây làm gậy mà đi. Đến lúc trời tối, thấy nhà nào dọc đường mở cửa là vào xin ngủ nhờ, chừng 4 giờ sáng hôm sau lại dậy đốt đuốc đi tiếp. Phải đến cuối chiều, tức là gần 2 ngày, hai đứa chúng tôi mới tới được trường học.

Trong câu chuyện kể của mình, Thò Bá Rê cho rằng, đó chưa phải là trở ngại lớn nhất. Mà khó khăn, áp lực đối với anh là khi đối diện với gia đình, dòng họ.

Không chỉ chịu khó, học giỏi, làm việc cơ quan tốt, mà Thò Bá Rê còn chăm chỉ lao động, trồng cây mang lại giá trị kinh tế cao.

Không chỉ chịu khó, học giỏi, làm việc cơ quan tốt, mà Thò Bá Rê còn chăm chỉ lao động, trồng cây mang lại giá trị kinh tế cao.

“Năm tôi lên lớp 10 thì bố tôi ốm nặng phải nằm một chỗ. Chưa kể, quãng thời gian trước đó, 6 đứa em của tôi lần lượt ra đi vì đau ốm. Gia đình đã nghèo, thêm những điều ấy càng thêm khánh kiệt. Đó là quãng thời gian thật tồi tệ, không thể nào quên”, anh Rê bồi hồi nhớ lại.

Người bố nằm trên giường dưỡng bệnh cầm tay anh Rê, ứa nước mắt. Bởi ông muốn rằng, Rê là con cả, phải nắm tay bố trước khi bố mất để tiễn ông sang bên kia thế giới. Đó là lần duy nhất khiến Thò Bá Rê lưỡng lự trên hành trình đi tìm con chữ cho mình. Nhưng sau bao ngày đấu tranh tư tưởng, Thò Bá Rê vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập.

Hết cấp 3 trường huyện, Rê thi đỗ vào Đại học Nông lâm Huế. Con đường học tập của Rê lại tiếp tục những tháng ngày khó nhọc bủa vây. Mỗi lần Rê về thăm nhà, gia đình chỉ có thể vay mượn cho cậu chưa đến 1 triệu đồng để lo ăn học suốt một học kỳ. Bao nhiêu khoản phải chi tiêu từ tiền xe, tiền ăn, tiền quần áo, sách vở… đều nằm trong số tiền đó.

Thò Bá Rê trầm ngâm: Suốt 4 năm học đại học, tôi chẳng dám tiêu lãng phí một đồng nào. Thậm chí khi không đủ tiền về quê ăn Tết, tôi nói dối bận học để mẹ đỡ buồn.

Quả ngọt xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng

Bốn năm đại học khổ sở cũng trôi qua, năm 2002, Thò Bá Rê tốt nghiệp và về công tác ở huyện Kỳ Sơn cho đến nay. Rê tâm sự: Cuộc sống gia đình, bản làng đói nghèo, vất vả cùng nhiều tập tục rườm rà. Chỉ có học, có hiểu biết thì mới thay đổi được bản thân, gia đình; thay đổi được cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì thế, tôi đã định hướng để người thân của mình nỗ lực học lên cao hơn, vừa có thêm hiểu biết, vừa phục vụ quê hương.

Những người Mông nơi miền biên viễn xứ Nghệ luôn phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Những người Mông nơi miền biên viễn xứ Nghệ luôn phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Noi gương Rê, các em cũng đã quyết chí theo học. Những tháng ngày khốn khó của gia đình Rê cứ thế tiếp diễn, bởi sau Rê, còn có 5 người em ăn học.

Trong số 5 người em ấy, có Thò Bá Cu hiện là cán bộ tư pháp xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn; Thò Bá Cô là cán bộ địa chính xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Điều rất mừng là hai cậu em của Rê cũng đã là thạc sỹ chuyên ngành Chính trị và thạc sỹ chuyên ngành Quản lý đất đai.

Theo ông Lang Thanh Lương - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn nhận xét thì, Thò Bá Cô là cán bộ trẻ, có năng lực. Bá Cô vừa đi biệt phái ở Phòng Tài nguyên Môi trường huyện về. Với những cán bộ như Bá Cô, công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã trở nên khoa học, hiệu quả hơn.

Gia đình anh Rê có 3 con là Thò Bá Xà, Thò Y Hoa và Vử Y Dênh (con dâu). Được biết, Thò Bá Xà hiện là chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn, cũng đã học xong thạc sĩ. Riêng Y Hoa và Y Dênh thì đang theo học thạc sĩ, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành chương trình.

Hiện, gia đình Thò Bá Rê đã có 4 thạc sĩ, sắp tới gia đình anh sẽ có 6 thạc sĩ, thật đáng tự hào! Chúng tôi chúc mừng niềm vui lớn của gia đình thì anh Rê chia sẻ: “Trong gia đình, dòng họ thì có thể tạm gọi là như thế.

Nhưng cả cộng đồng người Mông, rồi các dân tộc thiểu số khác ở Nghệ An thì tôi chẳng dám nhận đâu. Tôi luôn tự nhủ với bản thân và người thân của mình phải nỗ lực, cố gắng nếu như mình còn có thể”.

Chuyện về gia đình Thò Bá Rê là minh chứng rõ ràng nhất về những người Mông ở miền rẻo cao đang dần thay đổi nhận thức, suy nghĩ về việc học của con em mình. Chỉ có học và học, mới có kiến thức để thay đổi, làm chủ cuộc sống hiện tại của bản thân.

Những người Mông nơi miền biên viễn xứ Nghệ luôn phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Trần Tú

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/guong-sang-gia-dinh-nguoi-mong-435976.html