Gương sáng nhà giáo tiêu biểu - cô Trần Thị Lan Thảo

Trong suốt 30 năm công tác, cho dù ở cương vị nào, cô Trần Thị Lan Thảo - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoàng Yến, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) luôn là người gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động. Bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, cô luôn phấn đấu hết mình cho sự nghiệp 'trồng người'.

Cô Trần Thị Lan Thảo - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoàng Yến, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ

Cô Trần Thị Lan Thảo - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoàng Yến, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ

Năm 1992, cô bắt đầu hành trình cho sự nghiệp “trồng người” tại một trường mẫu giáo thuộc địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) - nơi cô sinh ra và lớn lên. Tại đây, cô giáo trẻ Lan Thảo đã tạo cho mình những bước đi đầu tiên đầy tự tin, vững vàng, thể hiện năng lực bằng nhiều thành tích cá nhân. Sau đó, trải qua nhiều vị trí công tác và nhiều trường khác nhau, đến năm 2009, cô chuyển công tác về Trường Mẫu giáo Hoàng Yến cho đến nay, với nhiệm vụ là Hiệu trưởng nhà trường.

Dù ở cương vị nào, là người giáo viên trực tiếp đảm nhiệm công tác giảng dạy hay làm cán bộ quản lý, cô luôn thể hiện được vai trò, trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cố gắng hết mình để cùng ban giám hiệu nhà trường xây dựng tập thể đoàn kết.

Trên cương vị quản lý, lãnh đạo, cô luôn chọn giải pháp phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy trẻ làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Vì vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, cô đã cùng ban giám hiệu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập, phấn đấu, rèn luyện trong tập thể cán bộ, giáo viên và từng tổ chuyên môn, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ năm học theo các tiêu chí thi đua của ngành Giáo dục và Đào tạo phát động. Đồng thời, cô còn cụ thể hóa các nội dung của việc học tập và làm theo lời Bác Hồ thông qua các hoạt động giáo dục, như: đổi mới phương pháp dạy học và phấn đấu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”… Qua đó, giúp trẻ có kỹ năng tốt về mọi mặt, tính tự lập cao, được tham gia khám phá, trải nghiệm trong mọi hoạt động.

Dưới sự chỉ đạo sáng tạo, đổi mới tích cực của cô Trần Thị Lan Thảo, Trường Mẫu giáo Hoàng Yến ngày càng phát triển; năm 2019, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; đặc biệt, tháng 8/2022, trường vinh dự đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đó là một dấu mốc quan trọng đối với công tác dạy và học của nhà trường.

Bên cạnh đó, cô luôn quan tâm đến việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ nên 100% giáo viên nhà trường đều không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy, qua đó số giáo viên đạt giáo viên giỏi các cấp tăng lên qua từng năm học. Riêng bản thân cô còn gương mẫu đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp quản lý mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường thông qua những sáng kiến kinh nghiệm đi vào thực tiễn như: sáng kiến “Làm thế nào để đổi mới công tác quản lý giáo dục”, sáng kiến “Làm thế nào để huy động, vận động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số trẻ, khắc phục trình trạng trẻ bỏ học tại Trường Mẫu giáo Hoàng Yến”…

Đối với các giáo viên, nhân viên trong trường cũng vậy, cô luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người dù là những chuyện nhỏ nhất, cô còn sẵn sàng chia sẻ với các giáo viên trong trường những bài học hay, những kiến thức bổ ích, phương pháp, cách dạy học sinh, tổ chức hoạt động làm sao cho trẻ hứng thú, hiệu quả giáo dục cao. Với vai trò là cán bộ quản lý, cô luôn gương mẫu đi đầu, có trách nhiệm cao trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ngành phát động. Cô tâm niệm: “Trong các phong trào thi đua của ngành, mỗi cán bộ, giáo viên dù ở cương vị nào cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch được giao; còn với trách nhiệm của một cô giáo mầm non thì mỗi giáo viên đều ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một cô giáo mầm non về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, tính chịu khó, sự kiên trì, bền bỉ đối với học sinh của mình...”.

Không chỉ giỏi việc trường, tích cực tham gia công tác xã hội, cô còn là một người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Dù ở bất cứ cương vị nào, là giáo viên hay cán bộ quản lý, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một nhà giáo gương mẫu, tiêu biểu để đồng nghiệp học tập và noi theo.

30 năm gắn bó với nghề, cô đã đem hết khả năng, tâm huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Qua đó, cô đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen; nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học, đặc biệt cô còn vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

HUỲNH NHƯ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/guong-sang-nha-giao-tieu-bieu-co-tran-thi-lan-thao-59800.html