Hà Đông tăng cường kiểm soát cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa Hè, thời gian qua quận Hà Đông đã chỉ đạo cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm; chú trọng xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bà Lê Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông cho biết, trong thời gian qua, phòng Y tế, Kinh tế, Trung tâm Y tế quận phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin, Thể thao và UBND các phường triển khai công tác tuyên truyền rộng khắp trên phương tiện thông tin, như Cổng thông tin điện tử của quận, hệ thống truyền thanh các phường... đăng tải những thông tin, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), công khai 100% các cơ sở vi phạm quy định về ATTP; đưa tin bài về thực trạng công tác ATTP, phổ biến những văn bản mới, kiến thức về ATTP.
Nói về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương Dương Ngọc Thỏa cho biết: ''Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ phường đến tổ dân phố, hộ kinh doanh về hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, như mua hàng hóa rõ nguồn gốc, có hóa đơn chứng từ lưu và có tủ bảo quản thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện cơ sở bán hàng chưa rõ nguồn gốc. Với những cơ sở này, tổ công tác đã nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết, nếu trong thời gian tới vẫn vi phạm chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm”.
Trong gần 5 tháng năm 2024, quận Hà Đông đã tổ chức 7 buổi hội thảo chuyên đề về chính sách pháp luật, kiến thức ATTP, với 356 người tham dự. 17 phường đã tổ chức phát loa truyền thanh về ATTP được 309 buổi và 54 bài viết đăng tải.
Tăng cường kiểm tra
Cùng với công tác tuyên truyền nhằm đảm bảo ATTP trong mùa Hè và Tháng ATTP, thời gian qua quận Hà Đông đã thành lập 3 đoàn liên ngành của quận và 17 đoàn kiểm tra của phường, thực hiện chủ đề của tháng là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”.
UBND quận Hà Đông chỉ đạo cơ quan chuyên môn và đoàn liên ngành tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong mùa Hè; kiểm soát công tác ATTP tại bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở bán hàng rong có nguy cơ cao mất ATTP tại các cổng trường, đường phố.
Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông Lê Thị Thanh Bình cho biết thêm: “Mặc dù các phường đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về ATTP, tuy nhiên vẫn còn những đơn vị, cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như chân gà, cánh gà, xúc xích. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, xử lý và giao lại cho phường tăng cường kiểm tra, giám sát loại hình này.
Đối với các cổng trường học trên địa bàn quận Hà Đông, hiện nay không còn cơ sở bán thực phẩm rong, tuy nhiên, những hộ có nhà kinh doanh tại cổng trường vẫn còn bày bán; cơ sở kinh doanh thực phẩm tại lễ hội, khu du lịch, hội chợ... đây là những nơi có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm; hay bếp ăn tập thể, chúng tôi đều tập trung kiểm tra. Qua kiểm tra các đoàn đều yêu cầu cơ sở bếp ăn tập thể lựa chọn những nhà cung cấp đủ điều kiện, thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và có quy trình chế biến thức ăn rõ ràng”.
Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATTP. Cụ thể, tại cổng trường Tiểu học Phú Lương II đã cấm bán hàng rong, nhưng vẫn có hộ 1 cửa hàng bán xúc xích, bánh bao, bim bim là chị Nguyễn Thị Tươi. Khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, đã có 7 loại sản phẩm ăn liền không rõ nguồn gốc xuất xứ, tủ bảo quản còn để sản phẩm sống, chín, có nguy cơ lây nhiễm chéo.
Hay trường hợp chị Nguyễn Phương Thảo (phường Quang Trung) cũng bán hàng không rõ nguồn gốc. Chị Thảo cho biết: “Tôi bán hàng thực phẩm ăn nhanh, do quá trình đi mua hàng không để ý bao bì, nhãn mác, mua phải những gói thực phẩm không rõ nguồn gốc. Được cơ quan chức năng nhắc nhở, tịch thu những sản phẩm này, tôi sẽ rút kinh nghiệm, từ nay trở đi sẽ mua bán những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo kinh doanh lâu dài cũng như đảm bảo sức khỏe cho học sinh”.
Các đoàn kiểm tra, ngoài xem xét về nguồn gốc hàng hóa, còn kiểm tra và yêu cầu cơ sở sử dụng các trang thiết bị như găng tay dùng 1 lần, đồ gắp thực phẩm, tủ đựng thực phẩm, đảm bảo che đậy tránh côn trùng. Các cơ sở vi phạm, sau kiểm tra, quận giao lại cho các phường và cơ quan chức năng là công an, y tế thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở và tái phạm phải xử lý ngay.
Sau hơn 1 tháng triển khai, quận Hà Đông đã tăng cường kiểm tra được 519 cơ sở, đạt 87%. Trong đó, các đoàn liên ngành của quận kiểm tra 54 cơ sở, xử phạt 8 cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP, với 109 triệu đồng. Các phường kiểm tra 465 cơ sở, xử phạt 58 cơ sở, với số tiền 121,9 triệu đồng. Cơ quan chức năng của quận đã lấy 2.323 mẫm thực phẩm xét nghiệm nhanh, phát hiện 405 mẫu không đạt về mức độ ATTP.
Hiện nay, quận Hà Đông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và 17 phường tập trung kiểm tra, rà soát đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử lý ngay những đơn vị vi phạm pháp luật về ATTP nhằm đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn. Với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát ATTP chặt chẽ, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.