Hà Giang: Liên tiếp phát hiện thực phẩm 'bẩn'
Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, với chủ đề 'Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố', các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã đồng loạt ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Công an xã Vĩnh Hảo và cơ quan Thú y huyện Bắc Quang kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh do ông Trần Xuân Chiến làm chủ, có địa chỉ thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang phát hiện 648 kg sản phẩm là thịt lợn không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: TTXVN phát
Nhiều vụ việc liên tiếp được phát hiện, xử lý kịp thời - từ các đầu mối vận chuyển đến cơ sở kinh doanh và kho chứa hàng vi phạm, cho thấy sự chủ động và quyết liệt trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, siết chặt kỷ cương an toàn thực phẩm.
Ngày 14/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hà Giang đã phát hiện và xử lý liên tiếp hai vụ vận chuyển thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ với tổng khối lượng lên tới hàng chục tấn.
Vụ thứ nhất, xe tải BKS 23C-033.49 do ông Nguyễn Kim Bằng (trú tại thành phố Hà Giang) điều khiển, bị phát hiện vận chuyển hơn 5 tấn thực phẩm đông lạnh gồm cá nục, cá chim, cá cơm, đùi gà và gà nguyên con đi thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Mở rộng kiểm tra kho hàng tại Cửa hàng Dân Huế (phường Trần Phú, thành phố Hà Giang), tổ công tác phát hiện thêm 23 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc.
Cùng ngày, một xe tải khác mang BKS 19C-233.48 do ông Lý Tiến Công (trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển, vận chuyển gần 1 tấn xúc xích sản xuất tại Trung Quốc cũng bị phát hiện không có hóa đơn, chứng từ. Toàn bộ hàng hóa vi phạm cũng đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định.
Ngày 23/5, thực hiện Kế hoạch số 10/KH-CCQLTT của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang ngày 21/5/2025 về cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện hộ kinh doanh Vũ Anh T. (tổ 12, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang) đang bày bán 274 sản phẩm thực phẩm và phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như khoai tây chiên, bơ sợi, trứng muối, trà bông… Số hàng này không có nhãn hàng hóa hoặc có nhãn nhưng không xác định được nơi sản xuất, không có tên đơn vị sản xuất hay nước sản xuất.
Chủ hộ kinh doanh thừa nhận mua hàng trôi nổi trên thị trường. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm trị giá gần 5 triệu đồng theo quy định.
Trước đó, trong các ngày 18 và 19/5, các Đội Quản lý thị trường cũng đã phát hiện hai vụ vận chuyển và lưu trữ gần 5 tấn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - trong đó có hàng đông lạnh bị phân hủy, không nhãn mác, không dấu kiểm soát giết mổ, chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi. Các lô hàng này đã bị lập biên bản và tiêu hủy.
Chỉ trong nửa đầu tháng 5, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã phát hiện, xử lý hàng chục tấn thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó, nhiều lô hàng có nguy cơ len lỏi vào các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn. Đây là thực trạng đáng lo ngại trong bối cảnh hàng giả, thực phẩm kém chất lượng xuất hiện ngày càng tinh vi.
Anh Hoàng Anh Đức (xã Xuân Giang, huyện Bắc Quang) chia sẻ: “Thực phẩm trôi nổi khiến gia đình tôi rất lo lắng. Mong lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm để người dân yên tâm dùng thực phẩm sạch”.
Chị Đỗ Bích Thuận (phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) bày tỏ: “Mua phải hàng giả không chỉ thiệt hại tài chính mà còn ảnh hưởng sức khỏe, nhất là với người già, trẻ nhỏ”.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã xử lý 47 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, cùng hàng loạt vụ liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hà Giang phát hiện xe ô tô tải do ông Lý Tiến Công (sinh năm 1989, trú tại huyện Chiêm hóa, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển, vận chuyển gần 1 tấn xúc xích do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: TTXVN phát
Các ngành chức năng tỉnh Hà Giang tiếp tục khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn gốc, thông tin sản phẩm trước khi mua; ưu tiên hàng hóa có tem nhãn rõ ràng, hóa đơn đầy đủ và mua tại các cơ sở uy tín. Sự tỉnh táo và chủ động của người tiêu dùng chính là tuyến phòng thủ đầu tiên trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng.