Hà Giang 'tiếp sức' doanh nghiệp vượt dịch

Nhanh nhạy trước nhu cầu mới của thị trường, nỗ lực chia sẻ khó khăn với người lao động và doanh nghiệp (DN) địa phương trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Hà Giang đang từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt những mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020.

Nắm bắt nhu cầu thị trường lao động

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, xuất khẩu lao động là một trong những định hướng được khuyến khích nhằm giúp người dân Hà Giang cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, việc giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia bị ảnh hưởng, hoạt động xuất khẩu lao động ở Hà Giang cũng tạm thời đình trệ. Nhiều lao động chuyển sang tìm kiếm cơ hội việc làm trong nước, đặc biệt là ở những địa phương có các cụm, khu công nghiệp lớn.

Nhiều lao động địa phương đã nắm bắt thông tin và tìm kiếm được việc làm phù hợp. Ảnh: Minh họa

Trước nhu cầu này, Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Giang (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang) đã chủ động khảo sát, tiếp cận nhu cầu tuyển dụng ở những DN trong tỉnh và những tập đoàn, DN lớn trên toàn quốc, thực hiện vai trò cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động cần việc làm. Bên cạnh hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm trên website, TTDVVL tỉnh còn phối hợp với các đơn vị địa phương và các DN tổ chức hội nghị tư vấn việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động để ngay cả người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng nắm bắt được thông tin về thị trường lao động. Quý I/2020, trung tâm đã tổ chức 28 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động tại các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn với 2.318 người tham gia; giới thiệu việc làm thành công cho 417 lao động. Nhờ vậy, nhiều lao động địa phương đã chủ động nắm bắt được thông tin nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm phù hợp.

Ngoài việc tiếp nhận, tư vấn, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho những đối tượng bị chấm dứt hợp đồng làm việc qua đường bưu điện, trang thông tin điện tử… TTDVVL tỉnh đã đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để nắm bắt thông tin về các lớp đào tạo nghề nhằm tư vấn cho người lao động và những trường hợp tới Trung tâm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp họ nâng cao trình độ của bản thân để nhanh chóng tìm được công việc ổn định. Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến khích người lao động tự tạo việc làm cho bản thân thông qua những dự án khởi nghiệp mang lại lợi ích kinh tế kiểu mẫu. Từ đó, tạo điều kiện cho các cá nhân phát huy khả năng tự chủ, sáng tạo để cải thiện cuộc sống mà còn đóng góp tích cực cho công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững - những mục tiêu trọng tâm mà Hà Giang đã và đang hướng tới.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Mặt khác, ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng khiến hầu hết các DN và nhà đầu tư tại Hà Giang chỉ hoạt động cầm chừng, một số DN ngừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm. Những nhà đầu tư, DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực như: du lịch, thương mại - dịch vụ, vận tải hành khách, xuất - nhập khẩu… Trong đó, du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch giảm 87% so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo hoạt động lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch giảm mạnh, ước tính thiệt hại gần 30 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang đã vào cuộc triển khai hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động và DN gặp khó khăn “vượt dịch”. Theo đó, tỉnh tiến hành rà soát, đẩy nhanh tiến độ chính sách hỗ trợ DN và hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 41, số 42 của Chính phủ. Đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho khoảng 386.000 đối tượng, với tổng kinh phí trên 306 tỷ đồng, đạt trên 99% tổng kinh phí hỗ trợ. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng đã rà soát, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, cho vạy với lãi suất thấp… cho khoảng 7.386 khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trả nợ vay với tổng dư nợ 2.027 tỷ đồng.

Để chia sẻ khó khăn với DN, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế. Cụ thể, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với DN và người lao động bị ảnh hưởng do dịch đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời; theo dõi sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động nắm bắt và làm việc với DN để tháo gỡ khó khăn đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, xuất, nhập khẩu, du lịch - dịch vụ; kịp thời triển khai các gói tín dụng ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, có chính sách miễn giảm thuế cho DN trong thời gian tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19…

Trang Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-giang-tiep-suc-doanh-nghiep-vuot-dich-137896.html