Hà Nội cần khoảng 43.000 tỷ đồng để chuyển đổi sang xe buýt năng lượng xanh

Theo dự thảo Đề án 'Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố', Hà Nội dự kiến cần khoảng hơn 43.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2033 để chuyển đổi hệ thống xe buýt hiện nay sang xe buýt sử dụng năng lượng xanh.

Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện "Đề án Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, thông qua.

Theo Đề án, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Xe buýt điện ở Hà Nội. Ảnh: PV.

Xe buýt điện ở Hà Nội. Ảnh: PV.

Về phương án đề xuất chuyển đổi, Sở GTVT Hà Nội chuẩn bị 3 kịch bản. Kịch bản 1 sẽ là 100% xe buýt điện. Kịch bản 2, đến năm 2026 – 2030 sẽ có 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG. Kịch bản 3, giai đoạn 2026 – 2030 sẽ có 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

Sở GTVT cho biết, tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2025 – 2030 là 2.072 xe (kịch bản 1), 1.807 xe (kịch bản 2), 1.694 xe (kịch bản 3). Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 88,3% (kịch bản 1), 89,2% (kịch bản 2), 89,5% (kịch bản 3) tổng số phương tiện được chuyển đổi.

Đến giai đoạn 2031 – 2033, tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi chỉ còn khoảng 285 xe.

Về tổng hợp nguồn lực cần bố trí theo kịch bản 1, tính tới năm 2033, tổng chi phí cần hơn 52.000 tỷ đồng. Với kịch bản 2, thành phố cần hơn 47.000 tỷ đồng, trong khi kịch bản 3 cần hơn 43.000 tỷ đồng…

“Để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, trước mắt đề xuất lựa chọn thực hiện theo kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG) và khi điều kiện cho phép phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 thực hiện theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện).”, Sở GTVT Hà Nội nêu.

Cần chi hơn 300 tỷ đồng/năm

Theo Sở GTVT Hà Nội, ngoài phần kinh phí ngân sách thành phố bố trí hằng năm để trợ giá cho xe buýt (khoảng 2.300 tỷ đồng/năm) như hiện nay, để thực hiện chính sách hỗ trợ cho kế hoạch chuyển đổi phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh, ngân sách thành phố cần bố trí kinh phí giai đoạn 2024 – 2033 khoảng 8.305 tỷ đồng (831 tỷ đồng/năm).

Trong số 832 tỷ đồng/năm này, kinh phí trợ giá phát sinh do chuyển đổi là khoảng 584 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ vay mua phương tiện và đầu tư hạ tầng trạm điện/trạm nạp khí khoảng 247 tỷ đồng/năm.

Khi áp dụng các giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách (tăng giá vé và triển khai hệ thống thẻ vé AFC), ngân sách thành phố cần bố trí kinh phí giai đoạn 2024 – 2033 hỗ trợ cho kế hoạch chuyển đổi phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh là khoảng 3.105,15 tỷ đồng (theo kịch bản 3), tương ứng 311 tỷ đồng/năm.

Tại hội nghị phản biện Đề án mới đây, ông Phạm Ngọc Thảo – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đơn vị chủ trì soạn thảo Đề án cần làm rõ khả năng ngân sách đáp ứng, cân nhắc tiến độ phù hợp. Nếu đề ra việc chuyển đổi nhanh quá, số lượng xe chuyển đổi lớn quá, sợ không làm được.

“Cần lộ trình phù hợp với khả năng ngân sách và khả năng tổ chức”, ông Thảo lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình làm cần quản lý chặt chẽ, tránh để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Một số ý kiến cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu cơ sở vật chất đáp ứng cho việc chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng sang sử dụng nhiên liệu xanh như hạ tầng đường bộ, các trạm sạc, nhân sự phục vụ…

Nguyên Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, hằng năm, Hà Nội đang mở mới 10 – 15 tuyến buýt, tương đương với khoảng 200 xe phải đầu tư mới theo công nghệ năng lượng xanh. Cùng với đó, hàng chục tuyến buýt cũng phải đấu thầu lại hằng năm, liệu có thay xe theo công nghệ mới không.

Nếu thay mới các xe này, theo ông Viện, cần phải tính tới kinh phí, cả về việc trợ giá của thành phố. Hiện nay, thành phố đang trợ giá cho xe buýt khoảng 2.000 tỷ/năm. Nếu chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, việc trợ giá cho xe buýt sẽ tăng lên khoảng 4.000 tỷ/năm. “Như vậy ngân sách có đáp ứng được không”, ông Viện nêu.

Ngoài ra, theo ông Viện, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này liệu có đáp ứng được về tài chính để chuyển đổi phương tiện, đặc biệt là Tổng Cty vận tải Hà Nội – hiện đang chiếm số lượng 2/3 số xe buýt của thành phố, liệu có đủ nguồn lực để làm không?

“Quan trọng hơn là phải xác định về cơ sở hạ tầng, cơ sở bảo dưỡng. Quy trình hiện nay là xe buýt về bến là phải kiểm tra để hôm sau có thể chạy được. Vậy khi lên tới 1.000 xe, 10.000 xe, cơ sở bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành có đảm bảo được không?”, ông Viện nêu.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-can-khoang-43000-ty-dong-de-chuyen-doi-sang-xe-buyt-nang-luong-xanh-post1649207.tpo