Hà Nội công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm về an toàn thực phẩm

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND về triển khai 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm' năm 2025. Theo đó, TP sẽ công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm...;

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kế hoạch được triển khai từ ngày 15/4/2025 đến ngày 15/5/2025 trên phạm vi toàn TP.

UBND TP. Hà Nội dự kiến tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trong khoảng từ ngày 10 đến 15/ 4/2025 tại Hội trường UBND TP. Hà Nội; cấp huyện và cấp xã căn cứ vào thực tế, tình hình tại địa phương để tổ chức 3 Hội nghị hoặc Lễ phát động hoặc hình thức khác để phổ biến công tác triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” từ ngày 15/4/2025 đến ngày 15/5/2025.

Kế hoạch đã cụ thể hóa 4 nội dung hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền, các nội dung hướng dẫn kiểm tra liên ngành trong“Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2025 để các cấp, các ngành triển khai.

Chiến dịch truyền thông cấp TP: các cơ quan báo, đài của TP và Trung ương cùng tham gia tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm An toàn thực phẩm, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm đến các nhóm đối tượng; phổ biến kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, biểu dương các tổ chức, cá nhân có các sáng kiến, kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế;

Cùng với đó, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng; phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm;

UBND TP. Hà Nội giao UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật an toànthực phẩm, tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn;

Và tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

Tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm TP kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và Sở, ngành; kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch “Tháng hành động” phù hợp với yêu cầu và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm và tổ chức kiểm tra “Tháng hành động” tại địa phương; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện quản lý. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Tại xã, phường, thị trấn hướng dẫn ký cam kết an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Yêu cầu công khai nguồn gốc và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/Bản cam kết an toàn thực phẩm cho khách hàng tại từng cơ sở.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Thành phố, xây dựng kế hoạch, triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ “Tháng hành động” năm 2025.

Nhật Hạ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-cong-khai-cac-co-so-ca-nhan-bi-phat-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-d262409.html