Khởi động việc đánh giá mức độ chuyển đổi số các bộ, tỉnh năm 2024
Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia vừa được Bộ KH&CN cập nhật theo hướng tinh gọn và khả thi. Đây là bước khởi động cho việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024.
Với quan điểm cái gì đo lường được thì mới quản lý, thúc đẩy phát triển được, ngay sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được ban hành năm 2020, Bộ TT&TT (nay là Bộ KH&CN) đã định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá và xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Để chuẩn bị cho việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh và quốc gia năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, ngày 3/4, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia” (gọi tắt là bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia - DTI).

Về cấu trúc, DTI gồm 3 cấp: DTI cấp tỉnh; DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia. Ảnh minh họa: M.Q
Mục tiêu hướng tới của đề án là xác định DTI cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, địa phương và của quốc gia trong quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 cùng các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Một mục tiêu cụ thể của đề án này là xây dựng DTI cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia, bao gồm các chỉ số chính, chỉ số thành phần theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của bộ, tỉnh và quốc gia.
Đồng thời, đánh giá được hiện trạng thực hiện chuyển đổi số hằng năm của bộ, tỉnh, quốc gia; qua đó giúp bộ, tỉnh, quốc gia thấy được các điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho bộ, tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Song song với việc hằng năm tổ chức triển khai xác định, công bố kết quả đánh giá DTI của bộ, tỉnh và quốc gia, với vai trò là cơ quan dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ KH&CN cũng sẽ chủ trì xác định những thực tiễn tốt, điển hình trong quá trình chuyển đổi số của bộ, tỉnh để từ đó nhân rộng trên cả nước.
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet về bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia mới phê duyệt, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ KH&CN) cho biết, bộ chỉ số đã được cập nhật theo hướng tinh gọn và khả thi hơn.
Cụ thể, DTI cấp quốc gia giảm 50% số lượng chỉ số, từ 24 chỉ số xuống còn 12 chỉ số; trong đó phân rõ 3 trụ cột: Chính phủ số gồm 4 chỉ số, chiếm 40% điểm DTI quốc gia; kinh tế số gồm 3 chỉ số, chiếm 30% điểm DTI quốc gia; và xã hội số có 5 chỉ số, chiếm 30% điểm DTI quốc gia).
DTI cấp bộ giảm 55,7% số lượng chỉ số thành phần, từ 70 chỉ số thành phần giảm còn 31 chỉ số thành phần; trong đó 40% điểm DTI cấp bộ đo lường tự động bằng hệ thống hoặc có số liệu của cơ quan quản lý cung cấp để kiểm chứng, trước đây tỷ lệ này là 15%.
Với DTI cấp tỉnh, số lượng các chỉ số thành phần đã giảm 52%, từ 98 chỉ số thành phần xuống còn 47 chỉ số thành phần. Trong đó, 38% điểm DTI cấp tỉnh đo lường tự động bằng hệ thống hoặc có số liệu của cơ quan quản lý cung cấp để kiểm chứng, trước đây tỷ lệ điểm DTI cấp tỉnh được đo tự động chỉ là 10%.

Một mục tiêu cơ bản của chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 là 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Ảnh: D.L
Trong đề án mới phê duyệt, Bộ KH&CN cũng cho biết, việc công bố kết quả đánh giá DTI cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia sẽ tiếp tục được Bộ thực hiện hằng năm. Kết quả đánh giá, xếp hạng sẽ được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN tại địa chỉ mst.gov.vn và Cổng thông tin đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số tại địa chỉ dti.gov.vn.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Sau gần 5 năm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, cả về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam đều đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt, theo bảng xếp hạng Chính phủ điện tử được Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 9/2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử - EGDI ở mức "Rất cao".
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.