Hà Nội: Đa dạng hóa các mô hình học tập và các loại quỹ khuyến học
Tại Hà Nội, các mô hình học tập: Dòng họ học tập, Gia đình học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập, Công dân học tập ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Đa dạng hóa các mô hình và các loại quỹ khuyến học tiếp tục là nhiệm vụ được đặt ra.
Ưu tiên tập huấn cán bộ
Ngày 3/1, Hội Khuyến học TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến học và phong trào thi đua, khen thưởng năm 2023.
Thông tin từ Hội Khuyến học TP Hà Nội cho biết, toàn TP hiện có 59 tổ chức hội thành viên, 579 hội khuyến học cấp xã, phường, thị trấn; 6,420 chi hội; 12.639 ban khuyến học. Riêng năm 2023, Hà Nội đã phát triển được 274 chi hội, 271 ban khuyến học với 134.173 hội viên mới.
Thời gian qua, Hội Khuyến học TP ưu tiên tập huấn cán bộ làm công tác khuyến học. Hội đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đơn vị thành viên, thu hút gần 500 người tham gia. Cùng với đó, Hội tổ chức đoàn cán bộ Hội đi trao đổi, học tập kinh nghiệm, tổ chức tập huấn nhiều chuyên đề về công tác khuyến học.
Các cơ quan, ban ngành đoàn thể từ TP đến cơ sở phối hợp khá chặt chẽ với Hội khuyến học các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, thúc đẩy việc học tập suốt đời của cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong xây dựng các đơn vị học tập, cộng đồng học tập.
Công tác xây dựng quỹ khuyến học luôn được các cấp Hội quan tâm. Toàn TP đã vận động, kêu gọi ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài với tổng số tiền trên 191 tỷ đồng. Hội cũng trao tặng cho các đối tượng khác nhau với các phần quà, học bổng… trị giá trên 165 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả hoạt động của Hội khuyến học TP Hà Nội năm 2023, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khuyến học Trung ương Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Năm qua, nội dung sinh hoạt của Hội khuyến học các cấp của TP Hà Nội có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đi sát với nhu cầu của người dân và tạo được sự kết nối mạnh mẽ. Các mô hình học tập (ngày càng được nhân rộng và triển khai đồng bộ đến từng cơ sở. Có được điều đó là do quan tâm của các cấp ủy, đảng, chính quyền; sự tận tụy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài của các chi hội.
Chú trọng đổi mới công tác khuyến học
Thay mặt Ban khuyến học các trường ĐH trên địa bàn TP, nhà giáo Đinh Tuấn Long, Trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ: Xác định việc học tập suốt đời là sứ mạng nên tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường luôn coi việc học tập hàng ngày là nhiệm vụ trọng tâm; từ đó thường xuyên cải tiến, đổi mới chương trình để phù hợp đòi hỏi của thị trường lao động. Ban khuyến học nhà trường phối hợp các đơn vị đã tham mưu Đảng ủy xây dựng cơ chế khuyến khích giảng dạy, học tập bằng các hình thức hỗ trợ cụ thể; qua đó phần nào tạo động lực phấn đấu cho giảng viên, sinh viên.
Công tác chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập là nội dung được Hội Khuyến học xã Dương Xá, huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm. Hiện xã có 7.620 Công dân học tập; 3.571 Gia đình hiếu học, 9 Dòng họ khuyến học, 8/8 đơn vị Cộng đồng học tập được công nhận.
“Trung tâm học tập cộng đồng của xã được kiện toàn, đi vào hoạt động, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Hội Khuyến học xã phối hợp Trung tâm học tập cộng đồng và các ban ngành đoàn thể xã tổ chức 16 buổi tuyên truyền, 5 lớp học nghề nấu ăn, trồng cây ăn quả, nữ công gia chánh, băng bó cứu thương với 103 người tham gia. Hè 2023, Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp thành lập 2 CLB tiếng Anh, 1 CLB Tuổi hồng và nhiều CLB thể thao với tổng số trên 1.600 học sinh. Hội cũng tích cực tham gia các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tặng thẻ BHYT, xe đạp… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập”, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Dương Xá Phạm Thị Thúy cho biết.
Đa dạng hình thức học tập cũng là cách được Hội Khuyến học quận Thanh Xuân thực hiện. Các CLB như khiêu vũ, bóng bàn và các lớp học như đan làn giả mây, nấu ăn, làm bánh, đan mũ đan áo, hướng dẫn tỉa hoa thủy tiên… do các chi hội tổ chức đều thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Với nguyên tắc lấy người học làm trung tâm, các lớp học mang lại ý nghĩa lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần hội viên.
Chia sẻ cách thức hiệu quả trong xây dựng quỹ khuyến học, đại diện Hội Khuyến học huyện Ba Vì cho biết, hàng năm Hội có Thư kêu gọi quỹ khuyến học toàn huyện, phát động ủng hộ quỹ đến các cơ quan, DN, nhà hảo tâm; đồng thời liên kết chặt chẽ với Hội Doanh nghiệp huyện Ba Vì, kêu gọi vận động ủng hộ quỹ trong ngày Doanh nhân Việt Nam. Điều quan trọng không kém là quỹ được công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích để tạo lòng tin trong Nhân dân và hội viên.
Làm tốt công tác xã hội hóa, phát huy các nguồn lực của xã hội nhằm phục vụ công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa các loại quỹ; trao quà cho các gia đình khó khăn, học sinh vượt khó học giỏi, biểu dương nhân rộng mô hình hay, quan tâm học sinh nghèo học giỏi…. là cách làm hiệu quả của Hội khuyến học phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
Trên tinh thần phát triển tổ chức, đổi mới hoạt động, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, điểm nhấn năm 2024 của Hội là lấy mô hình Công dân học tập làm cốt lõi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, biểu dương nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu... nhằm thúc đẩy việc học tập của mọi cá nhân, dòng họ, cộng đồng dân cư và các đơn vị trên địa bàn TP.
Với thành tích xuất sắc trong công tác Hội năm 2023, Hội khuyến học TP Hà Nội nhận Bằng khen của Hội khuyến học Việt Nam và Bằng khen của ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội. Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cũng tặng thưởng cho 25 tập thể, 17 cá nhân; Hội khuyến học TP tặng Giấy khen cho 98 tập thể và 94 cá nhân.