Hà Nội: Đảm bảo văn minh, an toàn mùa lễ hội

Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Lễ khai hội chùa Hương 2025. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Lễ khai hội chùa Hương 2025. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Với hơn 1.500 lễ hội ở Hà Nội, trong đó, phần lớn diễn ra vào đầu năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các quận, huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng. Những ngày đầu năm, người người, nhà nhà đi lễ cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, khỏe mạnh, hạnh phúc.

Các lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa và lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Tản viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), lễ hội Bia Bà (quận Hà Đông)…thu hút hàng ngàn người từ khắp mọi miền tổ quốc đến chiêm bái, vãn cảnh.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành thành phố thực hiện kiểm tra, đôn đốc trước, trong và sau lễ hội. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản các lễ hội bảo đảm trang nghiêm, đúng truyền thống mang đến không khí tươi vui đầu năm mới. Việc quản lý, tổ chức của nhiều lễ hội được cải tiến, kết hợp công nghệ mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. An ninh trật tự, môi trường, phân luồng tổ chức giao thông được chú trọng, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho người dân và du khách du xuân thuận tiện. Nhưng một số lễ hội còn tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm trong những ngày lượng khách đông. Nhiều nơi chưa niêm yết giá các dịch vụ…

Chính thức khai hội từ ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ 2025, trung bình mỗi ngày, lễ hội chùa Hương đón khoảng hơn 2 vạn du khách. Điểm nổi bật năm 2025 là Ban tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội với mục tiêu hướng đến khẳng định chùa Hương là điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam; xây dựng “Tuần lễ văn hóa - du lịch”. Cụ thể, Ban tổ chức đổi mới việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò, quản lý giá trông giữ ô tô tại các bến, bãi, nâng cao chất lượng dịch vụ, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...

Phủ Tây Hồ luôn thu hút rất đông người dân và du khách đến chiêm bái, đặc biệt là vào Lễ hội phủ Tây Hồ. Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An Dương Thanh Hải thông tin, để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu UBND phường Quảng An, Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ xây dựng các phương án phân luồng giao thông; quy hoạch gian hàng; trang trí cây cảnh từ trước, trong và sau Tết. Phường xây dựng 25 điểm chốt phân luồng giao thông từ xa để tránh ách tắc; tiếp tục thực hiện 4 điểm trông giữ phương tiện thanh toán bằng hình thức quét mã QR. Đặc biệt, điểm mới trong công tác tổ chức, quản lý tại phủ Tây Hồ những năm gần đây là các dịch vụ tại phủ đều hướng đến không dùng tiền mặt. Ban Quản lý di tích yêu cầu tất cả hàng quán, dịch vụ niêm yết giá.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, mỗi năm, trên địa bàn quận diễn ra 5 - 6 lễ hội, trong đó Lễ hội “Tế khai sắc, rước khai xuân” là một lễ hội lớn, quan trọng mang ý nghĩa khai mở các hoạt động đầu xuân năm mới. Đền Voi Phục đang trong quá trình tu bổ, tôn tạo nên năm nay lễ hội diễn ra quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn trang trọng, bài bản, đúng truyền thống văn hóa lâu đời.

Quận Ba Đình đã trang trí cây xanh, hoa, cờ hội đẹp mắt; vật liệu xây dựng được quy hoạch gọn gàng; tăng cường tuyên truyền, văn minh lễ hội, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã tại đền…Cụm di tích đình - chùa Hà thu hút khá đông người dân và du khách đặc biệt là giới trẻ đi lễ trong ngày rằm tháng Giêng nhưng công tác tổ chức diễn ra trật tự, văn minh, an toàn.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, ở quận không có lễ hội lớn nhưng có nhiều điểm di tích thu hút đông đảo người dân đi lễ đầu năm. Do đó, quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát các hoạt động trên địa bàn. Riêng di tích đình - chùa Hà, quận thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức bảo đảm an toàn, văn minh cho người dân và du khách. Phường Dịch Vọng làm tốt phân luồng giao thông, đặc biệt các khu vực trông giữ xe không thu phí từ Tết cho đến rằm tháng Giêng.

Không gian cảnh quan thanh tịnh, trang nghiêm nơi cửa Phật, tạo cho du khách cảm giác an tâm, thảnh thơi khi đi lễ; không có tình trạng ăn xin, bán hàng rong, mê tín dị đoan, chèo kéo; thực hiện nghiêm việc trông giữ xe không thu phí của du khách khi đi lễ… là cảm nhận của người dân và du khách khi đến với lễ hội ở Thủ đô những ngày xuân Ất Tỵ 2025.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài đề nghị, các địa phương tăng cường tuyên truyền quy tắc ứng xử văn minh trong lễ hội; quan tâm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự; quản lý tốt tiền công đức. Bên cạnh duy trì nét đẹp truyền thống, các địa phương cần có những sáng tạo, đặc biệt về áp dụng công nghệ trong phần hội, bảo đảm lễ hội diễn ra đậm bản sắc văn hóa truyền thống nhưng vẫn hấp dẫn, mới lạ, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Tuyết Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/ha-noi-dam-bao-van-minh-an-toan-mua-le-hoi-20250221103305765.htm