Hà Nội dẫn đầu cả nước sản phẩm OCOP
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế đến nay, TP. Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận.
Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Thời gian qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã của thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có việc viết câu chuyện cho sản phẩm.
Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP. Hà Nội công nhận. Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP.
Để phát triển sản phẩm mới OCOP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng); tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, các địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Thủ đô có sự khác biệt đối với các địa phương khác. Đó là giá trị văn hóa, lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... tưởng như vô hình, nhưng lại rất có giá trị làm nên thương hiệu sản phẩm.
Vì vậy, để giúp chủ thể tham gia chương trình OCOP sáng tạo ra những câu chuyện sản phẩm có ý nghĩa, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng; mở các lớp tập huấn, xây dựng bộ bài giảng cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm; mở rộng mạng lưới tư vấn, nhất là các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật công nghiệp, công nghiệp chế biến khi tư vấn cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên tôn vinh các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương./.