Hà Nội: Dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới
15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, diện mạo vùng nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt và khu vực nông thôn đã thực sự trở thành những miền quê đáng sống…
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, với chính sách thông thoáng và sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội nhằm phát triển đồng đều khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực thành thị. Đặc biệt là Chương trình 02 và nay là Chương trình 04 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bức tranh ngoại thành Hà Nội đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện.
Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, toàn TP cũng có 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu... Tốc độ gia tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%.
Nhờ được quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư nên chỉ trong thời gian ngắn, hạ tầng xã hội, hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh của Hà Nội đã phát triển khá đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp, các làng nghề có nhiều bước phát triển, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, doanh thu lẫn giá trị sản xuất tính theo héc-ta tăng cao lên tới hàng tỷ đồng: Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở Đan Phượng, Hoài Đức hay mô hình nuôi vỗ béo bò 3B của một số nông dân ở Hoài Đức, Đan Phượng cho lợi nhuận hàng tỷ đồng...
Những thành quả đạt được trong xây dựng NTM của TP Hà Nội là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải sớm giải quyết, nhất là tốc độ đô thị hóa. Vì vậy, việc quy hoạch, đặc biệt đối với các huyện, thị xã sẽ lên quận trong tương lai đòi hỏi cần phải nghiên cứu, tính toán, xem xét kỹ lưỡng, hài hòa để thích ứng phù hợp với đô thị.
Cùng với đó là vấn đề môi trường, việc thu gom rác thải, xử lý nước thải, nhất là nước thải ở các làng nghề... cũng đặt ra cho chính quyền các cấp ở Hà Nội những "bài toán" không hề đơn giản. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, khai mở tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Thủ đô cần có những cách làm phù hợp.
Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng NTM có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% số huyện, xã đạt chuẩn NTM, 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để đầu tư hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, trong đó, chú trọng đầu tư nguồn lực cho các chỉ tiêu về trường học, nước sạch, y tế. Đồng thời thường xuyên giám sát, định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Tính đến tháng 7/2023, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành phố Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với phương châm, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.