Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn

Thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khi đánh giá và phân hạng tổng cộng 3.317 sản phẩm OCOP từ năm 2019 đến nay.

Nhiều sản phẩm OCOP Hà Nội đã phát triển và vươn tầm thế giới. (Ảnh: VGP)

Nhiều sản phẩm OCOP Hà Nội đã phát triển và vươn tầm thế giới. (Ảnh: VGP)

Sản phẩm OCOP Hà Nội: nâng tầm giá trị, vươn ra thế giới

Trong đó, có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Đặc biệt, Hà Nội hoàn thành mục tiêu đánh giá ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP trước một năm so với kế hoạch đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII.

Những năm gần đây, các sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc biệt là thủ công mỹ nghệ, ngày càng khẳng định giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao không chỉ giúp xây dựng thương hiệu cho làng nghề mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội), những nghệ nhân đã tạo ra những tác phẩm độc đáo với sự kết hợp của nhiều chất liệu như tre, giấy ép, gốm sứ, vỏ trứng, vỏ trai, sừng trâu, bạc, vàng... Nhờ đó, các sản phẩm sơn mài nơi đây được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Để tạo ra một sản phẩm sơn mài hoàn hảo, người thợ phải trải qua 15 công đoạn phức tạp, trong đó riêng công đoạn làm vóc đã mất 9 lượt sơn và mài. Hai sản phẩm tiêu biểu của làng nghề là hộp sơn mài khảm trai và hộp sơn mài gắn sừng đã được xếp hạng OCOP 4 sao.

Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng là một trong những điểm sáng của Chương trình OCOP khi có khoảng 50 sản phẩm được đánh giá và phân hạng, trong đó có sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Các sản phẩm gốm sứ nơi đây mang đậm nét tinh hoa văn hóa Việt Nam và được xuất khẩu ra nhiều quốc gia.

Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, với 4 sản phẩm OCOP 5 sao gồm: bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen.

Chiến lược phát triển OCOP Hà Nội: hướng tới chất lượng và thương hiệu

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình OCOP, thành phố đã khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh, giai đoạn tới sẽ tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa nhằm gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP Thủ đô.

Song song với đó, Hà Nội cũng siết chặt quản lý chất lượng, thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Những sản phẩm không đáp ứng đủ tiêu chí sẽ bị nhắc nhở, chấn chỉnh, thậm chí thu hồi giấy chứng nhận OCOP.

Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn hiệu lực, hỗ trợ nâng cấp sản phẩm để đạt thứ hạng cao hơn, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là mở rộng kênh tiêu thụ để đưa sản phẩm OCOP của Hà Nội vươn xa hơn

Với những định hướng rõ ràng và sự đầu tư bài bản, OCOP Hà Nội không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần quảng bá thương hiệu làng nghề Việt Nam ra thế giới.

Tuấn Khang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-dan-dau-ca-nuoc-ve-so-luong-san-pham-ocop-dat-chuan-413999.html