Hà Nội dừng 82 dự án BT, chuyển sang đầu tư công, người dân và cả loạt 'ông lớn'... hố nặng
Trong số 82 dự án phải dừng triển khai,có 69 dự án chưa được duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, nhiều dự án có chủ đầu tư là tên tuổi lớn trong ngành bất động sản như T&T, Geleximco, Hateco, Bitexco...
Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội vừa thông báo dừng triển khai thực hiện dự án PPP hợp đồng BT theo quy định của Luật Đầu tư, phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ 1/1?2021) đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT, dừng triển khai mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đầu năm 2021 ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội đã báo cáo ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án trên địa bàn thành phố sang hình thức đầu tư công.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch - đầu tư rà soát, thông báo cho nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư, rà soát từng trường hợp cụ thể, chuyển sang hình thức đầu tư công với những dự án cần thiết, cấp bách.
Theo đó, tại Hà Nội, Có 82 dự án phải dừng triển khai, danh mục các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư chiếm số lượng nhiều nhất, tới 69 dự án.
Trong số này có nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội (Hateco), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành phố Cityland, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty Cổ phần Bitexco; Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời Sungroup; Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO...
11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư của các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần phát triển đô thị Việt Hưng, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Việt…
Hai trong danh sách 82 dự án này đã được duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng chưa ký hợp đồng gồm: cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển dài 7,5 km do liên danh các công ty (Đầu tư Văn Phú - Invest - Đầu tư Văn Phú CIC - Đầu tư Văn Phú số 1 - Tập đoàn Phú Mỹ - An Quý Hưng) thực hiện; và quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai dài 23,1 km do liên danh Công ty cổ phần Sông Đà - Tổng công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị - Công ty cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty cổ phần Đại An thực hiện.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội, năm 2020, tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp về việc rà soát các dự án đầu tư của thành phố theo hình thức PPP và đưa ra chỉ đạo: Đối với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư) giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án việc dừng công tác chuẩn bị đầu tư.
Văn bản của UBND Hà Nội có đề cập tới việc xử lý các chi phí chuẩn bị dự án mà nhà đầu tư đã bỏ ra (nếu có) sẽ căn cứ theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, đây sẽ là vấn đề mà thời gian xử lý bị kéo dài. Do bản thân các thủ tục chủ đầu tư đã mất thời gian khá dài để chuẩn bị, với nhiều loại chi phí.
Bên cạnh việc tác động tới các chủ đầu tư, lệnh ngừng này sẽ tác động tới người dân trong các khu vực được quy hoạch xác định là quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, chưa thấy văn bản của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội đề cập tới việc xử lý vấn đề quy hoạch treo tại các quỹ đất dành thanh toán cho chủ đầu tư.