Hà Nội, giấc mơ gọi tên sông

Sông Hồng lạnh lẽo chảy qua Hà Nội, cách biệt như một sự 'quá giang' đặng chẳng đừng. Sông ôm phố vào lòng nhưng phố lại đẩy sông xa cách, không thịnh tình chào đón.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Hà Nội, giấc mơ gọi tên sông của tác giả Nguyễn Xuân Thủy.

Nơi tôi sinh, Hà Nội

Ngày tôi sinh, một ngày bỏng cháy

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó

Đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than…

(Hà Nội và tôi - Lê Vinh)

Tôi không được sinh ra ở Hà Nội nhưng không biết bao nhiêu lần tôi đã nghe, đã hát lên bài hát này, hát về thành phố, về dòng sông, về một nơi chốn tôi đã gắn bó nhiều hơn cả thời gian sinh sống ở nơi tôi sinh ra và lớn lên. Dòng sông ấy đã an trú trong tâm hồn tôi cả những lúc bình yên và trong những thời điểm có biến cố, bất ổn… Để rồi tôi nhận ra, biết bao tâm hồn người Hà Nội, người lưu trú ở Hà Nội đã nương tựa vào dòng sông này trong những khắc khoải yêu thương và hy vọng, trong những khắc khoải mơ về những giấc mơ sông…

Ai đem “cất” sông đi?

Tôi ít khi la đà quán xá, bảo là thích hẳn một nơi nào đó cũng không, nhưng nhà hàng ấy thực sự đã là một nơi đi vào bộ nhớ, có lẽ là bởi tâm hồn đã được lưu trú theo đúng cách của nó. Quán ấy, đúng hơn là nhà hàng ấy, nằm núp dưới những bụi tre, dọc sông Hồng. “Tre Place” nằm xuôi về phía hạ lưu, qua cầu Thăng Long độ dăm trăm mét. Dĩ nhiên rồi, cây cầu biểu tượng một thời của Hà Nội là view của quán. Bờ sông lộng gió, kẽo kẹt tre đưa võng, thi thoảng một chiếc thuyền đánh cá kiểu truyền thống, người ngồi chèo thuyền bằng chân dọc bờ sông thả chúm tôm.

Toàn cảnh sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm Hà Nội. Ảnh: Tác giả cung cấp

Toàn cảnh sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm Hà Nội. Ảnh: Tác giả cung cấp

Bên kia là những bờ bãi vừa xa xôi, vừa gần gũi, nơi có những bãi cát và những tràn lau trắng như một đối cực của phố thị. Nhà hàng đó thuộc quận Tây Hồ, phía trên đê là đường Âu Cơ tấp nập xe qua lại. Hai thế giới đồng hiện trong một Hà Nội sôi động và gấp gáp, chậm rãi và trễ nải. Có thể nói đó là giấc mơ thu nhỏ về một sông Hồng của Hà Nội trong khát vọng về sự gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Thủ đô thay vì sự dửng dưng xa cách, như hiện nay nó đang được nhìn nhận và cảm thấy.

Không cần phải đi ra nước ngoài cũng có thể hình dung về một Paris thơ mộng với sông Seine của nước Pháp, một London với sông Thames từng là dòng sông chết đã hồi sinh của nước Anh hay một sông Hoàng Phố như một biểu tượng cho sự phồn thịnh bên bến Thượng Hải, Trung Quốc. Ở trong nước cũng có thể thấy một sông Hương chảy rất sâu vào thành phố Huế mộng mơ đôi bờ xanh tràn những vạt cỏ; sông Hàn của Đà Nẵng với những con đường, cây xanh dọc hai bên sống động trẻ trung, tạo nhịp điệu cho thành phố. Ngay cả sông Sài Gòn cũng cảnh “trên bến dưới thuyền”, thực sự gần gũi với sinh hoạt thường nhật, tấp nập vui tươi. Còn sông Hồng?

Ai cũng biết nghĩa của từ Hà Nội là “trong sông”, ấy thế nhưng những dòng sông ấy gắn bó quá lỏng lẻo với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Tôi dám chắc rằng, rất nhiều người Hà Nội nếu không có việc ra khỏi thành phố thì sẽ chưa từng chạm mặt sông Hồng. Suốt đoạn chảy qua các quận nội thành sông Hồng bị “bưng bít” bởi hàng loạt nhà cửa, công trình với các xóm ngoài đê từ lâu vừa biệt lập, vừa tai tiếng, ít ai muốn lai vãng nếu không có việc cần thiết. Thành ra những khu vực ngoại thành lại là nơi ghi điểm về view sông đẹp, hiền hòa, thanh bình với màu xanh bát ngát cỏ cây. Còn trong phố chỉ là bức bối, xập xệ, rào chắn tầm nhìn.

Phải thế chăng mà ký ức về sông trong âm nhạc của Hà Nội mới là “đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than”, mới là “dòng sông cây cầu đã gãy” (Phú Quang)…

Những nhịp cầu hãy hơn thế nữa…

Những năm chiến tranh, trong ký ức của mấy thế hệ người Hà Nội là cầu Long Biên, rồi cây cầu Thăng Long như một biểu tượng sừng sững suốt bao năm gắn với sân bay Nội Bài và các vùng đất phía Bắc sông Hồng. Sau này có thêm cầu Chương Dương nữa. Chúng chủ yếu chỉ đóng vai trò giao thông chứ hầu như không tích hợp chức năng tinh thần nào khác với con sông đã gắn bó sống còn với Hà Nội.

Cầu Nhật Tân nhìn từ Bến Bạc, làng Thượng Thụy, Tây Hồ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cầu Nhật Tân nhìn từ Bến Bạc, làng Thượng Thụy, Tây Hồ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Bây giờ Hà Nội đã có hàng loạt dự án cầu qua sông Hồng. Khởi đầu là Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, tới đây là Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… Trong khi chờ đợi một sự quy hoạch “thành phố hai bờ sông” như khát vọng của chính quyền Hà Nội thì những cây cầu chính là những sứ giả tiên phong. Nhưng liệu những cây cầu này có tích hợp được những giá trị khác hay vẫn chỉ là công năng giao thông là duy nhất?

Về điều này không cần nhìn đâu xa, Đà Nẵng thôi, những cây cầu ngang sông Hàn đã mỗi cây một vẻ khác biệt, khác biệt để người ta nhớ, khác biệt để tạo ra các giá trị gia tăng, đâu là cầu quay Sông Hàn có thể quay dọc nhịp giữa vào nửa đêm nhường cho giao thông thủy, đâu là cầu Trần Thị Lý với biểu tượng chim hạc trên cao, đâu là cầu Rồng có thể phun lửa phun nước dịp cuối tuần, đâu là cầu Thuận Phước treo dây võng… Nhiều cây cầu ở Đà Nẵng có làn dành cho người đi bộ hóng gió và ngắm sông. Mới nhất là cây cầu Nguyễn Văn Trỗi làm từ thời Mỹ chiếm đóng, sau khi làm cầu mới Trần Thị Lý, chính quyền thành phố đã giữ lại sửa sang quy hoạch thành cầu đi bộ để nhân dân ngắm sông Hàn.

Sau mười năm, giờ đây kế hoạch ấy đã thành hiện thực khi cây cầu đi bộ này vừa khai trương phục vụ nhu cầu người dân thành phố và khách du lịch. Cần Thơ cũng có cầu đi bộ ở bến Ninh Kiều bắc qua sông Cần Thơ là điểm thu hút khách du lịch. Huế cũng đã có con đường đi bộ lát gỗ lim rất đẹp dài 380 mét, view tuyệt vời để ngắm sông Hương, công trình do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ.

Hà Nội chưa có một cây cầu, một con đường nào như thế. Cũng chưa có một view nào xứng đáng để ngắm sông Hồng. Bởi thế, một quán cà phê trên đường Trần Nhật Duật có view ngắm cầu Long Biên đã vô cùng đắt khách, dù giá một món đồ uống lên tới trên một trăm nghìn đồng. Không phải ai cũng có hoặc không phải ai cũng sẵn lòng bỏ ra vài trăm nghìn cho một chỗ ngồi đẹp. Nên cùng với đó là sự tự phát của một bộ phận giới trẻ trên cây cầu Long Biên lịch sử vào ban đêm, trà lá hưởng gió sông mát rượi, ngồi lãng du ngắm dòng sông thao thiết chảy.

Chỉ thế thôi có được coi như một nhu cầu? Tôi tin là coi được. Bởi thế, nên khi mới khánh thành cầu Nhật Tân, rất nhiều người đã hào hứng lên cầu chụp ảnh, vì không có quy hoạch cho việc này nên tất nhiên đã ảnh hưởng đến giao thông, từ đó mà lực lượng giữ gìn trật tự phải ra tay trấn áp, dẫn đến vụ “gạt tay trúng má” của lực lượng công an với một người dân check in cầu.

Nhu cầu thưởng ngoạn sông Hồng là có thật, và người dân trong sâu thẳm luôn khao khát, mong muốn song hành cùng dòng sông của Hà Nội, thức dậy và đi ngủ cùng Hà Nội, đón ánh bình minh và lưu luyến hoàng hôn cùng mảnh đất nghìn năm. Nhu cầu ấy của họ đang bị tước đoạt, bế tỏa. Ai sẽ là người quan tâm đến các nhu cầu này? Ai sẽ là người để những nhu cầu tinh thần chính đáng ấy được tôn trọng?

Xin đừng “ngẫu hứng sông Hồng”!

“Ngẫu hứng sông Hồng” là một bài hát vui vẻ, lạc quan của nhạc sĩ Trần Tiến nên tôi muốn mượn tinh thần ấy để gửi gắm giấc mơ gọi tên sông với dòng sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.

Một điểm sáng cho khát vọng này khi mới đây Quận Hoàn Kiếm công bố cuộc thi ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa sông và bãi bồi ven sông Hồng. Cuộc thi nhằm tìm ra phương án thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực 329ha bãi nổi giữa sông và 63ha bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đoạn từ Hồng Hà đến Mễ Sở đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt nên đây sẽ là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa quy hoạch này.

Hình ảnh giới thiệu của dự án 'Lá phổi xanh' quy hoạch Bãi Giữa sông Hồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Hình ảnh giới thiệu của dự án 'Lá phổi xanh' quy hoạch Bãi Giữa sông Hồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Chậm còn hơn không, nhưng hãy chậm đúng cách, vì tương lai một “Hà Nội mới” của nhiều năm sau. Đã quá nhiều sự manh mún, đã quá thừa những ý tưởng không khả thi và thiếu đồng bộ. Đành rằng nói luôn dễ hơn làm, và yếu tố trị thủy luôn là cản trở với sông Hồng khiến nhiều ý tưởng phải bó tay suốt những năm qua, nhưng có lẽ sẽ có một giải pháp tổng thể để thích ứng tốt nhất với những kết quả đã được nghiên cứu nhiều năm, đã được chỉ ra, đã đúc rút thành những quy luật để thuần hóa sự “nổi loạn” của dòng sông này.

Tôi nghĩ giá trị lớn nhất của sông Hồng là giá trị xanh, như lá phổi của chục triệu dân đô thị. “Lá phổi xanh” cũng là tên gọi một đề án quy hoạch khu vực bãi giữa mà tôi có nhiều thiện cảm. Ngút ngàn những bờ bãi dọc triền sông thực sự là những cánh rừng đô thị tưới mát tâm hồn. Nếu như có một tuyến cáp treo dọc sông Hồng, từng cabin lướt trên những bãi chuối bạt ngàn, những ngọn ngô trổ cờ reo trong gió để ngắm dòng sông chuyển mình vài ba cây số sẽ là một trải nghiệm không tồi với những người yêu thiên nhiên, yêu một Hà Nội xanh.

May sao, đôi bờ sông Hồng của Hà Nội khi chưa có một quy hoạch xứng tầm thì vẫn còn đó màu xanh bát ngát. Người ta vẫn bắt gặp những vườn cây rậm rạp với cây thân gỗ vươn cao, những bờ bãi ngút ngàn chuối, ngô và các cây nông nghiệp. Mặt sông tiếp giáp phố dù bị che kín, nhưng khi đi qua những cây cầu vẫn bắt gặp một sông Hồng thổn thức màu phù sa, thổn thức xanh và thổn thức gió.

Thả tầm mắt xa xa từ cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì còn thấy vài ba lều trại dựng lên khi chiều buông, đôi ba chiếc ghế xếp dã ngoại được các nam thanh nữ tú mở ra ngồi chiêm ngắm thiên nhiên hay sống ảo cùng bờ bãi. Qua cầu Long Biên, khu quán nhậu trong chợ ẩm thực tận dụng view sông như một gợi ý về một hình hài của sau này. Mấy dự án nghệ thuật ở khu Phúc Xá và ven cầu Long Biên ở các mức độ khác nhau đã phần nào đánh thức những giá trị tiềm ẩn, như một cách gọi tên thì thào của gió, một gợi ý xa xôi của sông…

Bãi Giữa lối xuống từ cầu Long Biên còn có bãi tắm nude nổi tiếng. Từ phố xuống vài bước chân, là nơi “bán trú” của những tâm hồn muốn lánh nơi chật chội bon chen, muốn “đi trốn” ngay trong lòng phố. Ở đấy, người ta có thể vài ba tiếng sống như thuở hồng hoang, nhảy xuống sông bơi vài vòng, đá bóng, trồng cây chuối, nằm trên bờ cát ngửa mặt nhìn trời xanh vút cao khoáng đạt và những cao ốc bỗng thành xa xôi nhỏ bé, để thấy cuộc đời vẫn còn nhiều thứ đáng sống. Mong sao, trong những dự án quy hoạch dù tối ưu đến mấy, đạt được đồng thuận để triển khai đến mấy thì vẫn còn một bảo lưu cho thế giới có phần dị biệt nhưng bản nguyên và lành mạnh này. Chắc hẳn ngoài những vị khách bản địa sẽ còn thu hút cả khách Tây tìm đến.

Tôi và những người dân Thủ đô không ngại phải chờ đợi, nhưng hãy cho gần chục triệu dân Hà Nội một lý do để họ hy vọng. Có quá nhiều giấc mơ gọi tên sông, và trong những giấc mơ ấy tôi xin mơ thêm một giấc mơ nữa, đó là những giấc mơ sông của Hà Nội sẽ thành hiện thực trong một tương lai gần.

Cũng là bởi, sông Hồng đã đợi Hà Nội mở lòng từ rất lâu rồi!

Nguyễn Xuân Thủy

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-cua-nhung-dong-song-ha-noi-giac-mo-goi-ten-song-2293804.html