Hà Nội hướng tới thành phố kết nối

Hà Nội xác định mục tiêu là thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực

Ngày 20-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch thủ đô) và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô).

Tầm nhìn, khát vọng xây dựng thủ đô

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch thủ đô xác định mục tiêu Hà Nội sẽ là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực… Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô xác định mục tiêu là thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Quy hoạch thủ đô xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường; giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; kinh tế; văn hóa, xã hội; an ninh, an toàn; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực và 4 khâu đột phá phát triển về thể chế và quản trị; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao Ảnh: HỮU HƯNG

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao Ảnh: HỮU HƯNG

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quy hoạch thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, tạo sức lan tỏa; góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là xây dựng, phát triển thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết Quy hoạch thủ đô là một quy hoạch tỉnh nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác là quy hoạch cho một địa phương, Quy hoạch thủ đô là quy hoạch cho thủ đô của cả nước nên phải mang tất cả những yếu tố hội tụ và tính đại diện cho sự phát triển của cả nước.

Tháo gỡ nút thắt

Đi vào các vấn đề thực tế, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh phải tập trung giải quyết nút thắt lớn nhất của Hà Nội hiện nay là vấn đề ùn tắc giao thông. Trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông để người dân có thể di chuyển đến bất kỳ địa điểm nào, khi đó sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân. Như vậy, vấn đề ùn tắc giao thông hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này.

Ngoài ra, cốt lõi là phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ, nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường là nước sạch, không ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế hợp lý để hỗ trợ người dân ở khu vực phố cổ nếu muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này, khi đó chúng ta sẽ phát triển được một không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực hồ Gươm như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, khu vực hồ Tây, khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao Ảnh: HỮU HƯNG

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao Ảnh: HỮU HƯNG

Góp ý về nội dung mô hình thành phố trong thành phố, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề xuất mô hình thủ đô trong TP Hà Nội. Đại biểu cho rằng nên chăng các quận nội thành là thủ đô Hà Nội, còn TP Hà Nội gồm tất cả các quận nội thành và những khu vực khác.

Theo đại biểu Thân, 63 tỉnh, thành phố sẵn sàng đóng góp cho thủ đô Hà Nội chứ không thể các tỉnh, thành lại đóng góp cho TP Hà Nội. Mô hình này nhiều nước đã làm. Bên cạnh đó, ở trong các quận nội thành, từ 5 - 6 quận thì thủ đô phải là trung tâm chính trị - văn hóa, chứ không phải là trung tâm chính trị - kinh tế. Khu vực 36 phố phường phải giữ nguyên hiện trạng, kiên quyết không cho xây nhà cao tầng. TP Hà Nội vì thủ đô Hà Nội, còn các tỉnh, thành cũng vì thủ đô Hà Nội thì mới như ước vọng của chúng ta.

Vấn đề lớn và khó

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch rất quan trọng. Đã lập ra, đã vẽ ra có thể khó nhưng chưa khó bằng việc giữ và việc thực hiện được quy hoạch còn khó hơn rất nhiều. Đây là vấn đề lớn, là vấn đề khó, chắc chắn sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện lại và Thủ tướng phê duyệt thì Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch này một cách khả thi nhất, trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai thế nào, thứ tự, danh mục dự án thế nào, thứ tự ưu tiên ra sao… Rất nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện mới có được một bức tranh, mới có được một thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau khi Quốc hội cho ý kiến, Hà Nội cùng các cơ quan sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện và cố gắng sớm trình Thủ tướng cùng với điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM. Chính phủ muốn phê duyệt các quy hoạch của Hà Nội và TP HCM trong tháng 6-2024.

VĂN DUẨN - HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ha-noi-huong-toi-thanh-pho-ket-noi-196240620201509239.htm