Hà Nội: Kết nối đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn dịp cuối năm
Để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh, lấy mẫu xét nghiệm... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn đẩy mạnh ký kết với các tỉnh thành phố thực hiện liên kết chuỗi đưa thực phẩm an toàn phục vụ thị trường Thủ đô và ngược lại.
Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thành phố đã triển khai ký kết với 43 địa phương và xây dựng, phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020, tương đương tăng 21%), hoàn thành vượt chỉ tiêu theo chương trình phối hợp.
Riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi; trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường và xuất khẩu như: rau an toàn Văn Đức, Chúc Sơn; chuỗi thịt của Hợp tác xã Hoàng Long, Vinh Anh; trái cây bưởi Diễn Chương Mỹ, nhãn Đại Thành, chuối Hoàng Kim và gạo Bảo Minh...
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long cho biết, nắm bắt xu hướng tiêu thụ thực phẩm sạch, ông đã nghiên cứu và phát triển thành chuỗi thực phẩm A-Z từ trang trại tới bàn ăn của hợp tác xã. Đó là chế biến các sản phẩm thịt lợn thành giò nạc, giò mỡ, chả, xúc xích... để nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất tới khâu giết mổ, chế biến...
Trong khi đất đai ngày càng hạn hẹp, ông Long sáng kiến xây các dãy nhà tầng để tăng diện tích chăn nuôi từ năm 2017. Khu chuồng nuôi được thiết kế 3 tầng; trong đó có các khu nuôi lợn sinh sản, khu nuôi lợn con sau cai sữa, khu nuôi lợn thịt thương phẩm. Tất cả các khu chuồng nuôi đều được trang bị quạt gió, máng ăn, không gian chuồng trại thoáng mát… Riêng khu chăn nuôi lợn mới cai sữa được bố trí trên tầng 3 sạch sẽ, có bóng đèn công nghệ cao, vừa để dùng sưởi ấm, vừa sát trùng cho lợn giống.
Cùng đó, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Đến nay, “chuỗi thực phẩm A-Z” của hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và có mặt trên nhiều kênh phân phối của Hà Nội.
Bên cạnh sự thành công của các chuỗi chăn nuôi, Hà Nội còn xây dựng thành công các chuỗi rau quả an toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) là điển hình của thành phố Hà Nội trong thực hiện các chuỗi liên kết sản phẩm rau, quả sạch.
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết, năm 2016, xuất phát từ một nhóm hộ nông dân có tâm huyết và kinh nghiệm trồng, chăm sóc rau sạch, mong muốn mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng ông đã mạnh dạn đề xuất thành lập Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn để tập hợp các hộ dân này. Khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có vài hộ tham gia nhưng đến nay đã thu hút 52 thành viên sản xuất trên diện tích gần 27 ha; trong đó, có cả diện tích hợp tác xã liên kết với nông dân huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) sản xuất theo quy trình VietGAP, cung cấp rau trái vụ cho thị trường Hà Nội...
Hay mô hình trồng chuối ở xã Hoàng Kim được coi là “vựa chuối” của huyện Mê Linh. Nơi đây, cây chuối được người dân trồng theo vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nên cho năng suất, chất lượng cao. Doanh thu hàng năm đạt 400 triệu đồng/ha giúp đời sống người dân ngày một cải thiện.
Là một trong những người tiên phong ở xã Hoàng Kim đầu tư, phát triển vùng trồng chuối theo hướng hàng hóa, ông Sái Công Triệu nhận thấy tiềm năng lớn của vùng đất bãi ven sông Hồng, nên đã bắt tay với nông dân phát triển vùng canh tác chuối rộng hơn 70 ha. Để sản phẩm chuối bảo đảm chất lượng, ông Triệu đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, bảo quản và hình thành mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều thương lái.
Chuối sau khi thu hoạch được các hộ dân thu gom thân cây về tách bẹ, rồi đưa vào máy ép sợi. Từ những sợi chuối đó, tạo thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như túi, giỏ, sọt, khay, thảm, dép… với nhiều kiểu dáng. Ngoài ra, nước ép từ thân cây chuối cũng được tận dụng ngâm ủ với nhiều phụ phẩm khác, tạo thành chế phẩm sinh học hữu cơ, mang lại hiệu quả trong việc chăm bón hoa màu…
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố đã phối hợp với các địa phương thực hiện việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong giao thương; góp phần bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống, nhất là dịp lễ tết cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao.
Năm 2023, các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã lấy trên 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản; trong đó, 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 650 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua đó phát hiện 60 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 185 triệu đồng.