Hà Nội là trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng

Chiều 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng đề góp ý xây dựng quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn đến năm 2045 “Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới…”.

Tại Hội nghị, sau khi nghe giới thiệu về dự thảo quy hoạch, các đại biểu nêu bật vai trò, vị trí của vùng Đồng bắng sông Hồng; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực; thực trạng phát triển vùng; cho rằng phải xây dựng quy hoạch để vùng phát triển thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc; là cực tăng trưởng của cả nước; đồng thời là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - một thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có đặc thù, đóng góp trên 50% GDP của đất nước; yêu cầu kết nối quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch vùng phải kết nối quy hoạch tổng thể quốc gia; tạo động lực mới cho tăng trưởng; quy hoạch phải khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đi đôi với đó là các chương trình, dự án cụ thể và các cơ chế, chính sách đi kèm.

Thủ tướng yêu cầu quy hoạch phải chỉ ra hết tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Hồng, với Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa; gắn với văn minh lúa nước, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời; quy hoạch cũng phải làm sống lại các dòng sông vốn đang bị cạn kiệt tài nguyên và tính đến khả năng lấn biển.

Cho rằng, vùng Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng, cơ hội lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Do đó phải phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tranh thủ rộng rãi ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân; học hỏi kinh nghiệm quốc tế vận dụng khoa học, sáng tạo vào xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, nhánh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-la-trung-tam-vung-dong-bang-song-hong-207465.htm