Nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng là địa phương có tới 35% dân số là người dân tộc miền núi và đa phần số hộ nghèo của tỉnh nằm trong thành phần dân số này. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Nhiều giải pháp được lồng ghép

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, thời gian qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 8.521 hộ nghèo (trong đó, hộ nghèo Khmer giảm còn 4%). Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 2%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3%/năm.

 Nhiều mô hình sinh kế gắn với truyền thống địa phương giúp người dân Sóc Trăng nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuấn Phi

Nhiều mô hình sinh kế gắn với truyền thống địa phương giúp người dân Sóc Trăng nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuấn Phi

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, các cấp ủy, chính quyền địa phương tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương; đồng thời, huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Khmer an tâm lao động, sản xuất từng bước thoát nghèo bền vững.

Cũng theo ông Trần Văn Lâu, thời gian tới, UBND tỉnh đẩy mạnh lồng ghép, thực hiện chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt phát huy hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con có điều kiện sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, các hòa thượng, chư tăng, chức sắc tôn giáo kết hợp tuyên truyền, vận động phật tử Khmer chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự lực vươn lên phát triển kinh tế; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại huyện Mỹ Tú, đồng bào Khmer chiếm 24,59% dân số (7.482 hộ với 32.253 nhân khẩu), sống tập trung và phân bố tại các xã Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Thuận Hưng. Theo ông Lê Thanh Vị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mỹ Tú, thời gian qua, huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc nói chung và bà con Khmer nói riêng.

Giai đoạn 2019 - 2024, huyện đào tạo nghề cho 2.113 lao động, giải quyết việc làm cho 4.692 lao động người Khmer, 4.696 lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào Khmer đạt khoảng 63 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn 72 hộ, chiếm 0,96%.

Gần 25.000 lao động được đào tạo nghề

Tương tự như huyện Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm cũng thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp về giảm nghèo; trong đó, đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng. Ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết, hàng năm, trên địa bàn thị xã có trên 400 hộ thoát nghèo, gần 500 hộ thoát cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, hộ Khmer nghèo giảm 4%.

Từ các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương xây dựng nhiều công trình, từng bước hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi hàng hóa, ổn định sản xuất, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số được diễn ra đồng bộ và thường xuyên trên toàn tỉnh Sóc Trăng. Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã đào tạo nghề cho 24.835 lao động người dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho 42.438 lao động người dân tộc thiểu số; giới thiệu và cung ứng xuất khẩu lao động cho 141 người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, trước tác động của dịch Covid-19, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh tế; hỗ trợ cho 25.760 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 241.012 người lao động với kinh phí thực hiện trên 452,2 tỷ đồng.

Ngoài việc làm và thu nhập, các chỉ tiêu khác về giảm nghèo cũng được địa phương đẩy mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ: xây dựng 14.826 căn nhà cho hộ nghèo (hộ dân tộc là 6.184 hộ); nước sinh hoạt phân tán cho 2.808 hộ; vay vốn chuyển đổi nghề cho 614 hộ, 614 hộ thiếu đất sản xuất và 549 hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã khu vực III, ấp đặc biệt khó khăn được vay vốn; giống và vật tư sản xuất cho 6.161 hộ (trong đó, có 4.660 hộ nghèo; 1.464 hộ cận nghèo và 37 hộ khác; bao gồm cả hộ mới thoát nghèo).

Ngoài ra, hỗ trợ nước sạch cho khoảng 6.201 hộ nghèo khu vực nông thôn, lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho 619 hộ nghèo và miễn thu tiền sử dụng nước 477.081m3; thực hiện kéo điện cho 50.279 hộ (hộ dân tộc Khmer là 9.507 hộ); phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 57.040 lượt hộ dân tộc thiểu số để trang trải học phí, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... với tổng số tiền trên 2.467 tỷ đồng.

Dương Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/no-luc-giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post395148.html