Hà Nội lại đề xuất thu phí vào nội đô
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn phát triển (Trường ĐH Giao thông vận tải) vừa báo cáo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tiến độ xây dựng Đề án 'Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông'. Đáng chú ý, Trung tâm này đề xuất thí điểm ngay từ năm 2024.
Chia làm 3 giai đoạn
Trước đó, Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11/2020 và lần 2 vào tháng 10/2021.
Theo đề án, Hà Nội dự kiến thu phí vào nội đô chia làm 3 giai đoạn và bắt đầu thí điểm năm 2024. Trong giai đoạn thí điểm, sẽ lập 15 trạm thu phí trên 9 trục đường nội đô lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao. Đến 30/11/2025, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Cụ thể: Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật.
Sau năm 2031, TP Hà Nội sẽ thực hiện giai đoạn 3, mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Đáng chú ý, đơn vị tư vấn lập đề án và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đều kiến nghị Sở GTVT đẩy nhanh thời điểm áp dụng đề án thu phí để phù hợp với quy định hiện hành và tránh những khó khăn phát sinh về sau.
“Nếu Đề án được HĐND TP thông qua, UBND thành phố trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022. Đến năm 2024 tiến hành thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025 và chính thức triển khai áp dụng từ năm 2025, việc triển khai thực hiện Đề án mới phù hợp với các quy định hiện hành” - đại diện tư vấn cho hay.
Đơn vị tư vấn cho biết, nếu chậm triển khai đề án sẽ gặp khó khăn do Nghị quyết 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội hết hiệu lực. Khi đó, để có cơ sở pháp lý thu phí cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách thu phí (điều chỉnh luật) và khó có thể triển khai thí điểm trước năm 2030.
Phía cơ quan quản lý cho rằng, bản chất phí thu phương tiện cơ giới vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông là một khoản thu mà người sử dụng xe ô tô sẽ phải chi trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông trong một khoảng thời gian quy định.
Loại phí này do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét, ấn định trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, nhằm thiết lập một dịch vụ điều tiết giao thông bằng công cụ kinh tế (thông qua việc tự giác thay đổi hành vi của các chủ thể tham gia giao thông, khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương thức có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao sang phương thức hiệu quả hơn như giao thông công cộng...).
Xét trên khía cạnh lợi ích, tất cả chủ thể tham gia giao thông và toàn xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc tiết kiệm thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa nhờ giảm ùn tắc giao thông trong khu vực thu phí.
Phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông, do vậy, không áp dụng đại trà đối với tất cả phương tiện, các khu vực cũng như các khung giờ trên thực tế. Loại phí này chỉ áp dụng đối với xe ô tô hoạt động tại những khu vực nhất định và trong những khung thời gian nhất định.
Đây là loại phí mang tính tùy chọn, tự giác, người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo một cung đường khác đã được bố trí sẵn cho phương tiện quá cảnh, hoặc tự giác chuyển sang một loại phương tiện khác không phải đóng phí (như chuyển sang phương tiện giao thông công cộng), hoặc chuyển sang khung giờ ngoài cao điểm.
Những người sử dụng phương tiện lựa chọn trả phí để quá cảnh qua khu vực thu phí sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian nhờ vào việc cải thiện tốc độ lưu thông trên các trục đường trong khu vực thu phí.
Nhiều câu hỏi đợi trả lời
Trong khi đó theo nhìn nhận của giới chuyên gia, đề án thu phí vào nội đô phải trải lời được các câu hỏi như: Hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của việc thu phí ra sao? Thu phí tác động đến đời sống của người dân thế nào? Khi thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nội đô sẽ làm giảm số lượng xe có trong nội đô cùng một thời điểm, dẫn tới giảm hiện tượng kẹt xe, tắc đường, giải quyết ra sao?
Một số ý kiến cho rằng, tiến hành thu phí phương tiện cơ giới cũng sẽ tăng thu ngân sách cho thành phố tuy nhiên việc thu phí phương tiện giao thông cơ giới sẽ trở thành vô nghĩa nếu Hà Nội hay các địa phương lân cận không có hệ thống giao thông công cộng đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại vào nội đô của người dân.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, kinh nghiệm của các nước, tại đô thị đều áp dụng thu phí phương tiện vào thành phố. Đó là giải pháp hữu hiệu để thực hiện giảm áp lực giao thông trong khu vực nội đô, đồng thời bảo vệ môi trường. Thế nhưng để áp dụng đối với Hà Nội cần xem xét đến 2 yếu tố liên quan. Cụ thể: Một là, cần xem xét hệ thống giao thông của Hà Nội kết nối với các vùng đã hoàn chỉnh chưa? Bởi hiện nay hệ thống vành đai 3 chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Còn hệ thống vành đai 4 thì chưa hình thành, chưa liên kết. Như vậy mối quan hệ của Hà Nội - là trung tâm của vùng thì cần phải có liên kết với các vùng khác.
Hai là, phải xem xét đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân. Trong khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận phải có hỗ trợ nhau làm thế nào để đảm bảo đời sống, không tăng phí sinh hoạt của người dân. Khi có thêm phí thì giá tiêu dùng lúc đó sẽ khác. Cho nên, cần quan tâm và cân nhắc tất cả cái được, cái chưa được. Và đặc biệt chất lượng cuộc sống của người dân mới là điều quan trọng. Bởi thu phí mà nâng giá tiêu dùng lên là điều cần phải xem xét, tính toán.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-noi-lai-de-xuat-thu-phi-vao-noi-do-5699844.html