Hà Nội làm gì để hồi sinh các dòng sông trở lại trong xanh?

Hà Nội hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều dòng sông nội đô, thậm chí cả một số hồ điều hòa trong thành phố. Nhiều dòng sông hiện không còn dòng chảy dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Ngày 10/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm "Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết". Sự kiện quy tụ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện chính quyền và doanh nghiệp nhằm trao đổi, hiến kế và thúc đẩy các chính sách bảo vệ, cải tạo hệ thống sông ngòi đi vào thực tiễn.

Ô nhiễm sông ngòi đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhiều hệ thống sông ở nước ta đã ô nhiễm tới mức trầm trọng, đánh mất hoàn toàn chức năng sinh thái tự nhiên và hiện chỉ còn vai trò như các kênh chứa nước thải. Trong số này có thể kể đến các dòng sông nội đô Hà Nội, hệ thống sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy và kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Các chuyên gia tại tọa đàm "Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết".

Các chuyên gia tại tọa đàm "Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết".

Nhằm khẩn trương ứng phó với thực trạng đáng báo động này, ngày 24/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại một số lưu vực sông. Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Việt Nam có khoảng 3.450 con sông, phân bố trên ba lưu vực sông lớn và các khu vực sông ven biển.

Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dòng sông ở nước ta đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là tại khu vực trung và hạ lưu - nơi có mật độ dân cư đông và nhiều hoạt động sản xuất, đô thị.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu cho rằng, tình trạng ô nhiễm sông hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: nước thải sinh hoạt đô thị lên tới hơn 9 triệu m³/ngày nhưng mới xử lý được khoảng 17%; nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ xử lý phân tán, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao; việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thiếu kiểm soát gây tồn dư hóa chất ra môi trường nước; ý thức người dân còn hạn chế khi đổ chất thải rắn bừa bãi vào hệ thống sông, hồ; cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu như mùa khô kéo dài, mưa lớn gây ngập úng khiến ô nhiễm tích tụ và gia tăng.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều dòng sông nội đô, thậm chí cả một số hồ điều hòa trong thành phố. Nguyên nhân chính đến từ tốc độ đô thị hóa quá nhanh, ý thức người dân còn hạn chế trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tình trạng xả rác, lấn chiếm lòng sông, lòng hồ diễn ra phổ biến.

Đặc biệt, ông Hoa nhấn mạnh một nguyên nhân mang tính kỹ thuật và có tác động sâu rộng – đó là việc nhiều dòng sông hiện "không còn dòng chảy". Mực nước sông Hồng và sông Thái Bình đã xuống thấp hơn thiết kế hệ thống đê điều tối đa (14m), dẫn đến suy giảm nghiêm trọng khả năng tự làm sạch và cấp nước cho các hệ thống thủy lợi.

Về giải pháp, ông Hoa cho biết thành phố đang triển khai một loạt dự án cụ thể nhằm hồi sinh các dòng sông, như xây dựng hệ thống trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải và cải tạo dòng chảy tại các khu vực trọng điểm.

Quyết tâm làm sạch các dòng sông chết

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – bày tỏ những trăn trở cá nhân khi chứng kiến dòng sông Tô Lịch "thay đổi từng ngày". Ông nói: "Nhà tôi gần sông Tô Lịch, tôi chứng kiến dòng sông từ khi còn sạch, trong mát đến lúc ô nhiễm nặng, và nay đang dần được hồi sinh."

Ông Tùng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong thời gian gần đây, với các giải pháp "đúng và trúng", thể hiện sự quyết tâm rõ ràng của chính quyền. Ông dẫn ví dụ từ các quốc gia như Trung Quốc (sông Dương Tử), Israel (sông Jordan), Hungary (hồ Balaton)… và cho rằng: "Điều quan trọng nhất để làm sạch sông ngòi là sự quyết tâm chính trị, thể hiện qua các hành động cụ thể, sát thực".

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu đề xuất, thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố có chung những dòng sông cần xây dựng và ban hành mô hình tổ chức lưu vực sông, từng bước thực hiện thí điểm để phục hồi các nguồn nước; đầu tư vào hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải triệt để; đồng thời xây dựng các công trình điều tiết, nhằm bảo đảm dòng chảy, đặc biệt là tăng cường lưu lượng nước cho các sông nội đô…

Phấn đấu từ 5 đến 10 năm tới, bảo đảm tỷ lệ nước thải được xử lý đạt hơn 80%. Kiểm soát nghiêm ngặt nước thải từ khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, nhất là các cơ sở chưa được đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn. Các dự án như Nhà máy Yên Xá cần được thúc đẩy nhanh, vận hành đồng bộ.

Một số chuyên gia cho rằng, các địa phương phải xây dựng và thực thi cơ chế liên kết vùng trong quản lý môi trường lưu vực sông. Không thể để các địa phương "mạnh ai nấy làm", thượng nguồn xả thì hạ nguồn gánh. Việc tái lập các ủy ban lưu vực sông liên tỉnh như Nhuệ - Đáy là giải pháp then chốt, giúp thống nhất hành động, chia sẻ thông tin, giải quyết triệt để nguồn ô nhiễm theo chuỗi.

Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng - từ học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp, người dân. Lan tỏa mạnh mẽ ý thức tốt, hành động đúng trong bảo vệ môi trường sẽ tạo nền tảng xã hội đồng thuận trong công cuộc làm sạch và hồi sinh các dòng sông. Đặc biệt, thành phố Hà Nội muốn phát triển xanh, sạch, đáng sống, thì việc khôi phục lại chức năng sinh thái, cảnh quan và giá trị văn hóa của các dòng sông nội đô lịch sử là nhiệm vụ bắt buộc.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-lam-gi-de-hoi-sinh-cac-dong-song-tro-lai-trong-xanh-169250710154158975.htm