Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản
'Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được tạo những điều kiện tốt nhất khi đến đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội'. Đây là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại 'Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội - Nhật Bản 2024' vừa diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Hội nghị do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức với mục tiêu tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản.
Hội nghị có sự tham dự của: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Katsunori Nakazawa, cùng gần 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản và thành phố Hà Nội.
Đối tác chiến lược hàng đầu
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố Hà Nội rất vinh dự được tổ chức sự kiện có ý nghĩa này tại đất nước Nhật Bản, nơi Hà Nội đã và đang có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển mạnh mẽ. Sự kiện càng có ý nghĩa khi diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam và Nhật Bản triển khai thực hiện quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới", Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản tại Đông Nam Á.
Trong những năm qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Nhật Bản với vai trò là đối tác chiến lược hàng đầu, là quốc gia cung cấp vốn ODA lớn nhất, đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại thành phố.
Lũy kế đến hết tháng 9-2024, thành phố Hà Nội thu hút khoảng 14,058 tỷ USD vốn FDI từ các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có 1.706 dự án mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 9,55 tỷ USD; 581 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm khoảng 2,96 tỷ USD; 794 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn góp khoảng 1,55 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chính của nhà đầu tư Nhật Bản bao gồm: Kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; giáo dục và đào tạo; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô-tô, xe máy.
Riêng 9 tháng năm 2024, thành phố thu hút khoảng 332,12 triệu USD vốn FDI của Nhật Bản, trong đó: có 43 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 117,82 triệu USD; 33 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm khoảng 135,83 triệu USD; 24 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp khoảng 78,46 triệu USD.
Những dự án đầu tư của Nhật Bản đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội. Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu, là quốc gia cung cấp vốn ODA lớn nhất, đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của thành phố Hà Nội.
Bên cạnh quan hệ hợp tác về đầu tư, hợp tác thương mại giữa Hà Nội và Nhật Bản cũng ngày càng khởi sắc trên cơ sở triển khai các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Nhật Bản như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện rất thuận lợi về thuế quan và thương mại hai chiều. Đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Hà Nội - Nhật Bản chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Hà Nội.
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, với cam kết không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh cải cách hành chính, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Hà Nội luôn coi trọng và sẵn sàng tạo những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, đầu tư, kinh doanh tại thành phố.
Về phía đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, Phó Chủ tịch JETRO Katsunori Nakazawa tin tưởng rằng, đây sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo thành phố Hà Nội và Nhật Bản tiến hành những hoạt động trao đổi thiết thực, từ đó thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Giới thiệu về tiềm năng và lợi thế của Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc cho biết, đây là một trong những dự án đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện nay, đã có một số tổ chức, doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản đang đầu tư tại địa điểm này, như: Tập đoàn Nissan, Tập đoàn Nidec, Trường Đại học Việt-Nhật... Ông Trần Đắc Trung mong muốn trong tương lai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư vào Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc.
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho rằng, Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam, trong đó thành phố Hà Nội là một trong những địa phương thu hút được nhiều hoạt động đầu tư và thương mại từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực ngành nghề đa dạng, như: Kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; giáo dục và đào tạo; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô-tô, xe máy…
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, thành phố Hà Nội luôn nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hài hòa lợi ích, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế và đáp ứng các thông lệ tốt trên thế giới về khuyến khích và bảo hộ lợi ích các nhà đầu tư.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu mong muốn, ngoài việc nắm bắt, cập nhật các thông tin về thành phố Hà Nội, hội nghị sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp, cùng tạo dựng nhiều mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thiết thực trong tương lai.