Hà Nội muốn chi hàng tỉ USD hoàn thành 100km đường sắt đô thị

Hà Nội đang đặt mục tiêu đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng vào năm 2030 và nâng lên 35-40% vào năm 2035.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô.

Tại dự thảo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất xác định đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững. Phấn đấu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Lộ trình xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội

Đề án sẽ vạch ra lộ trình, thứ tự ưu tiên đầu tư, phương án huy động vốn để đầu tư tổng cộng 397,8 km đường sắt đô thị của thành phố (theo Quy hoạch 519), chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 96,8km đường sắt đô thị, đồng thời đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có lộ trình đầu tư trước năm 2035. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 14,602 tỉ USD.

Nếu hoàn thành mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 2,2-2,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Giai đoạn 2: Đến năm 2035, thành phố sẽ đưa vào khai thác khoảng 301 km đường sắt đô thị. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22,572 tỉ USD. Đường sắt đô thị hứa hẹn đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 9,7 triệu-11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm

Giai đoạn 3: Đến năm 2045, thành phố sẽ hoàn thành nốt các tuyến đường sắt đô thị điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh.

Để đảm bảo mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối các đầu mối giao thông như sân bay, ga đường sắt quốc gia đầu mối, các khu đô thị tập trung dân cư.

Đường sắt đô thị của Thủ đô sẽ được đầu tư theo tiêu chí gắn liền với quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tính kế thừa và hiệu quả đầu tư.

Phương án "một kế hoạch, ba phân kỳ" sẽ đáp ứng mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 và vận tải hành khách công cộng đạt 50-55%, nhưng khối lượng công việc lớn, đòi hỏi nguồn lực cao.

Nhu cầu vốn lớn, thời gian thu xếp ngắn nên thành phố sẽ gặp khó khăn trong việc huy động, bố trí nguồn vốn, cộng với chi phí vận hành, bảo dưỡng sẽ gây áp lực lên ngân sách.

Theo quy hoạch chung trước đây, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và một tuyến nối các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài 397 km. Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh mới được thông qua, thành phố Hà Nội đã bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân dài khoảng 150 km.

Tuy nhiên, đến nay thành phố mới hoàn thành được 13 km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và sắp hoàn thành 12,5 km trên cao của tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Sau gần 3 năm vận hành, tàu điện Cát Linh - Hà Đông phục vụ khoảng 35.000 hành khách đi lại. Trong đó 47% là người đi làm, 45% là người đi học và 8% đi lại với các mục đích khác.

Để hoàn thành các mục tiêu trong dự thảo Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô là thách thức lớn, đòi hỏi thành phố cần tính đột phá trong việc huy động nguồn vốn và tổ chức triển khai.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-muon-chi-hang-ti-usd-hoan-thanh-100km-duong-sat-do-thi-17924052815182506.htm