Hà Nội muốn kéo dài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến Xuân Mai

UBND Hà Nội đề xuất được nghiên cứu, triển khai dự án đường sắt Hà Đông - Xuân Mai nối tiếp với đoạn Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, theo hướng sử dụng vốn ODA.

Nội dung trên được Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề cập tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sáng 6/5.

Theo ông Thanh, ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đang khai thác và tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện triển khai thi công, Hà Nội còn 7 tuyến đường sắt đô thị chưa được triển khai.

Vì vậy, bên cạnh việc đề nghị Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, ông Thanh đưa ra 6 kiến nghị khác liên quan việc đẩy nhanh tiến độ các dự án metro.

Cụ thể, đối với tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc, để bảo đảm việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, Hà Nội kiến nghị xem xét, ưu tiên cho thành phố sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án.

Với dự án đường sắt Hà Đông - Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), tuyến 2A kéo dài, thành phố đề xuất được nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến này nối tiếp với đoạn Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, theo hướng sử dụng vốn ODA và bảo đảm đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ.

 Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu các kiến nghị của thành phố liên quan chủ trương đầu tư, xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị. Ảnh: VGP.

Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu các kiến nghị của thành phố liên quan chủ trương đầu tư, xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị. Ảnh: VGP.

Liên quan dự án đường sắt đô thị số 6 đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi, Chủ tịch Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép thành phố sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để nghiên cứu tiền khả thi dự án mà không gắn với dự án đầu tư.

Việc xác định thức hình thức đầu tư cho dự án sẽ được đề xuất sau khi có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Bên cạnh đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chưa triển khai thi công được các gói thầu chính về xây lắp và thiết bị, trong khi công tác giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 90%.

Thành phố hiện rà soát, cập nhật một số nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh theo vị trí ga C9, để thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Vì vậy, UBND Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét đẩy nhanh quá trình cho ý kiến để hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên trong năm 2023.

Riêng với dự án đường sắt đô thị 3.2 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, lãnh đạo thành phố cho biết việc xem xét, phê duyệt đề xuất dự án còn chậm trễ, kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Do đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan thống nhất về nội dung giải trình của UBND thành phố và cho phép được giải trình chi tiết ở các bước sau, để đẩy nhanh tiến độ việc triển khai dự án.

Đề cập thêm về đoạn đường sắt quốc gia Yên Viên - Ngọc Hồi (bao gồm cả cầu Long Biên), Chủ tịch UBND Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải bàn giao hồ sơ tài liệu cho thành phố quản lý theo quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc này nhằm phục vụ kế hoạch triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.

Bên cạnh những đề xuất cụ thể liên quan các tuyến đường sắt đô thị chưa được triển khai, tại hội nghị, Chủ tịch UBND Hà Nội cũng nêu các kiến nghị liên quan dự án vành đai 4, phát triển nhà ở xã hội, cũng như kiến về việc tăng cường phân cấp, ủy quyền cho thành phố.

Theo ông Thanh, Hà Nội đang phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi với 9 nhóm chính sách lớn và đề xuất Thủ tướng ủy quyền cho thành phố 10 nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tiện ích tỷ lệ nghịch lượng khách ngày càng đông ở tàu điện Cát Linh Lượng khách đi tàu điện Cát Linh tăng nhanh kéo theo nhu cầu mua sắm, trải nghiệm dịch vụ tại các nhà ga.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-muon-keo-dai-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-den-xuan-mai-post1428808.html