Hà Nội: Những con số ấn tượng sau 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

Trong 10 năm (2014 - tháng 6/2023), tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn TP: 63.699 vụ, đã giải quyết 61,316 vụ, hòa giải thành 51.829 vụ, đạt tỷ lệ 84,45%.

UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Ảnh: Bạch Dương

UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Ảnh: Bạch Dương

Tỷ lệ hòa giải thành trong 10 năm đạt cao 84,53%

UBND TP Hà Nội vừa mới có báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo đánh giá, công tác hòa giải 10 năm đã đi vào nền nếp, bài bản. Quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân.

Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.

Kể từ khi Luật Hòa giải ở cở sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 10 năm (2014 - tháng 6/2023), tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn TP: 63.699 vụ, đã giải quyết 61.316 vụ, hòa giải thành 51.829 vụ, đạt tỷ lệ 84,45%. Tỷ lệ hòa giải thành ngày càng tăng cao, đặc biệt năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành toàn TP đạt trên 86%.

Có 17/30 đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành đạt cao trên 85% gồm: Đống Đa (95,34%); Ba Đình: 94,84%; Long Biên: 93,52%; Hoàn Kiếm: 92,57%; Chương Mỹ: 91,90%; Mỹ Đức: 90,43%; Thanh Trì: 90,29%; Nam Từ Liêm: 89,72%; Bắc Từ Liêm: 89,70%; Đan Phượng: 89,37%; Phú Xuyên: 88,90%; Thanh Xuân: 87,87%; Gia Lâm: 87,38%; Thanh Oai: 86,20%; Cầu Giấy: 85,48%; Hà Đông: 85,24%; Hoàng Mai: 85,00%.

Có 6/30 đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80% đến dưới 85% gồm: Hai Bà Trưng: 84,72%; Thạch Thất: 83,27%; Thường Tín: 82,90%; Tây Hồ: 82,03%; Quốc Oai: 81,98%; Ba Vì: 80,65%.

Có 7/30 đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành đạt thấp, dưới 80% gồm: Hoài Đức: 78,50%; Sóc Sơn: 77,62%; Đông Anh: 77,25%; Phúc Thọ: 76,53%; Sơn Tây: 75,23%; Ứng Hòa: 72.49%; Mê Linh: 62,87%.

Số vụ việc phát sinh hòa giải giảm, thể hiện số vụ việc mâu thuẫn giảm: Giai đoạn từ năm 2014 - 2017: trung bình tiếp nhận: 8.745 vụ/năm; giai đoạn từ năm 2018 - tháng 6/2023:trung bình tiếp nhận: 5.221 vụ/năm, giảm 3.524 vụ/năm. Thành ủy, UBND TP, chính quyền cấp cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã ngày càng quan tâm hơn công tác hòa giải, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được ổn định.

Công tác tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên được TP và các quận, huyện, thị xã quan tâm triển khai thực hiện hàng năm (trong 10 năm đạt tỷ lệ 78, 22% tổng số hòa giải viên ở cơ sở), Tỷ lệ số hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ngày càng tăng, năm 2022 có 83,41% số hòa giải viên được bồi dưỡng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong đó có đối tượng hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được chú trọng. Hòa giải viên được tiếp nhận trực tiếp nhiều tài liệu về pháp luật và nhiều cách thức để tìm hiểu pháp luật, được tích cực trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm qua nhiều diễn đàn như giao ban, hội thảo, hội nghị, cuộc thi... ở các cấp chính quyền.

Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” tăng dần qua các năm

Kết quả triển khai mô hình tổ hòa giải 5 tốt trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã từng bước được nhân rộng ở các địa bàn dân cư; thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn.

Số tổ hòa giải 5 tốt tăng dần qua các năm. Năm 2017, toàn TP có: 1.698/5.395 tổ hòa giải 5 tốt (chiếm 31,4%); năm 2018: có 2.071/5.393 tổ hòa giải 5 tốt (38,4%); năm 2019: 2.591/5427 tổ hòa giải 5 tốt (chiếm 47,74%); năm 2020: 2.637/4975 tổ hòa giải 5 tốt (chiếm 53%); năm 2021: 2.822/4937 (chiếm 57%); năm 2022: 3.001/4994 (60,09%);

Số vụ việc mâu thuẫn giảm: Giai đoạn từ năm 2014-2017: trung bình tiếp nhận: 8.745 vụ/năm; giai đoạn từ năm 2018 - tháng 6/2023: trung bình tiếp nhận: 5.221 vụ/năm, giảm 3.524 vụ/năm. Nhiều đơn vị tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Mỹ Đức, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Sóc, Sơn. Tỷ lệ số tổ hòa giải 5 tốt trên 80%.

Công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đội ngũ Luật gia, Luật sư ngày càng tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Nhân dân ngày càng tự nguyện giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng hòa giải, tăng cường đoàn kết nội bộ Nhân dân, sử dụng hiệu quả hương ước, quy ước trong công tác hòa giải,

Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được UBND các cấp trên địa bàn thành phố quan tâm và đầu tư hơn. Trong 10 năm TP cấp khoảng 115,4 tỷ đồng chi cho công tác hòa giải, cụ thể:

Cấp Thành phố: 76,7 (Năm 2014: 4,2 tỷ đồng; Năm 2015: 6 tỷ đồng; Năm 2016: 6,3 tỷ đồng; Năm 2017: 8,9 tỷ; Năm 2018: 7,4 tỷ; Năm 2019: 8,3 tỷ, năm 2020 10,9 tỷ; năm 2021: 7,9 tỷ; năm 2022: 9,6 tỷ; 6 tháng năm 2023:7,2 tỷ đồng.

Cấp quận, huyện, thị xã: 38,7 (Năm 2014: 2,8 tỷ đồng; Năm 2015: 3,0 tỷ đồng; Năm 2016: 3,8 tỷ đồng; Năm 2017: 4,8 tỷ; Năm 2018: 5,5 tỷ; Năm 2019: 6,1 tỷ, năm 2020: 3,7 tỷ; năm 2021:3,5 tỷ; năm 2022: 4,0; 6 tháng năm 2023:1,5 tỷ (Phụ lục III).

Theo báo cáo của 30/30 quận, huyện thì hiện toàn thành phố có 579/579 xã chi cho các tác hòa giải ở cơ sở (đạt tỷ lệ 100%), cao hơn so với thời điểm sơ kết 3 năm (2014 - 2016): 383/584 xã, phường, thị trấn, đạt 65%. Những đơn vị quan tâm chi công tác hòa giải ở cơ sở trong 10 năm gồm: Long Biên, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm (Trung bình đơn vị cấp xã đạt trên 10 triệu/năm).

Những vướng mắc trong quá trình triển khi thi hành Luật

Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng gắn chặt với việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn TP. Tuy nhiên, trong công tác hòa giải ở cơ sở còn tồn tại, hạn chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả của công tác hòa giải. Việc duy trì giao ban hàng tháng, lưu trữ hồ sơ về các vụ việc hòa giải, sổ giao ban, sổ theo dõi công tác hòa giải, biên bản hòa giải thành… chưa đầy đủ gây khó khăn thanh toán thù lao cho hòa giải viên. Đa phần hòa giải viên tuổi cao, sức yếu, tỷ lệ hòa giải viên ở cơ sở có trình độ chuyên môn luật còn thấp (2396/32.101 hòa giải viên chiếm khoảng 7,4%),

Một số địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để tiến hành hòa giải, việc hòa giải còn mang tính hình thức. Một số chính quyền địa phương cấp xã chưa quan tâm, đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cấp xã còn thấp. Trung bình 6.693.105 đ/đơn vị cấp xã/năm. Việc việc xã hội hóa kinh phí trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP còn hạn chế.

Thành phố cũng chỉ ra một số nguyên nhân do pháp luật hòa giải còn vướng mắc như một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở còn chung chung, chưa rõ ràng như quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức của các bên tham gia hòa giải khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến vụ việc hòa giải của hòa giải viên.

Khoản 1 điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định “Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ...”. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong công tác kiện toàn tổ hòa giải, vì trên thực tế có những địa phương mời được người tham gia tổ hòa giải đã khó mà bắt buộc trong tổ phải có hòa giải nữ sẽ rất khó khăn, không linh hoạt trong việc kiện toàn.

Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải dẫn đến việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tục thanh toán kinh phí công tác hòa giải còn phức tạp, (thanh toán vụ việc hòa giải sau khi kết thúc (khoản 1 Điều 14 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, thực tế việc thanh toán vụ việc hòa giải theo đợt 6 tháng hoặc năm)

Pháp luật về hòa giải chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, tổ chức và tiến hành cuộc hòa giải của tổ hòa giải, của hòa giải viên nên khi thực hiện nhiều nơi còn gặp khó khăn, lúng túng.

Luật Hòa giải ở cơ sở không quy định cụ thể về số lượng hộ dân để thành lập tổ hòa giải nên việc thực hiện không được thống nhất từ đó số lượng tổ hòa giải và hòa giải viên phân bố không đều trên địa bàn dân cư. Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và tiêu chí đánh giá hòa giải viên tiêu biểu.

Vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở đã được quy định rõ trong Luật. Tuy nhiên, việc phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp chưa cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều nơi cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, trách nhiệm của ngành Tư pháp. Do vậy, dẫn đến sự phối hợp trong công tác hòa giải chưa được thực hiện một cách thường xuyên, chặt chẽ, thiếu sự chủ động dẫn đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa cao.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-nhung-con-so-an-tuong-sau-10-nam-trien-khai-thi-hanh-luat-hoa-giai-o-co-so-351740.html