Hà Nội: Những du thuyền Hồ Tây còn sót lại sau 6 năm dừng hoạt động

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao ở hồ Tây, mới đây Hà Nội dự kiến cho phép nhiều loại hình kinh doanh mở lại, trong đó có tàu du lịch.

Dự thảo quy định quản lý hồ Tây được UBND TP Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến từ 22/3, nêu 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động gồm: kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội và Quận ủy Tây Hồ, UBND quận Tây Hồ đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành thành phố có liên quan tổ chức di chuyển toàn bộ tàu, thuyền, phương tiện nổi của các doanh nghiệp về neo đậu tại khu vực Đầm Bảy (thuộc phường Nhật Tân), đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành di dời các phương tiện.

Đến nay, đã có 143/147 phương tiện được di dời ra khỏi hồ Tây, gồm: 4 tàu, 6 sàn nổi/nhà nổi, 7 phao nổi, 11 xuống máy và 115 xe đạp nước.

Hiện còn lại 4 phương tiện có kích thước và tải trọng lớn (3 tàu, 1 sàn) của 2 doanh nghiệp chưa di dời là Công ty Cổ phần Sông Potomac và Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây.

Đối với 2 phương tiện của Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây gồm tàu Nàng Tiên Cá 1 và Nàng Tiên Cá 2 (Taboo), ngày 15/02/2023, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thanh thải vật chướng ngại ra khỏi tuyến đường thủy nội địa hồ Tây.

Các phương tiện tàu thủy còn lại trên hồ Tây có tải trọng và kích thước lớn (mỗi phương tiện khoảng trên 400 tấn, diện tích sàn khoảng trên 350m2, chiều cao 2-3 tầng) đã dừng hoạt động từ lâu, có hiện tượng hoen gỉ và xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến việc tháo dỡ gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết các phương tiện thủy này có thiết kế hai tầng, chủ yếu là sắt, với những bức tường khung kính cao, bên trong cải tạo trang trí theo mục đích sử dụng riêng. Doanh nghiệp cho biết việc tháo dỡ ước tính tốn hàng trăm triệu đồng.

Nhiều hạng mục chỉ còn lại như đống sắt vụn, không thể khôi phục.

Các hạng mục gỗ đã mục nát. Vỏ ngoài các con tàu/thuyền bong tróc, trơ lớp sắt hoen gỉ. Một phần bên trong tàu bị ngập nước.

Đối với 2 phương tiện của Công ty Cổ phần Sông Potomac gồm 1 bến cập du thuyền (sàn bị chìm một phần) và tàu Potomac, ngày 30/12/2022, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc cưỡng chế trục vớt, thanh thải tài sản đối với bến cập du thuyền đã bị chìm đắm ra khỏi hồ Tây.

Còn tàu Potomac đang là tài sản tranh chấp giữa Ngân hàng TMCP Quốc dân và Công ty Cổ phần Sông Potomac. Vụ án được Tòa án nhân dân quận Tây Hồ thụ lý giải quyết từ năm 2018, giữa đơn nguyên là Ngân hàng TMCP Quốc Dân, bị đơn là Công ty Cổ phần Sông Potomac. Do đó, việc di dời phương tiện này ra khỏi hồ Tây sẽ được thực hiện sau khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Tùng Đoàn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ha-noi-nhung-du-thuyen-ho-tay-con-sot-lai-sau-6-nam-dung-hoat-dong-20180504224282248.htm