Hà Nội nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đô thị thông minh

Hà Nội cam kết mạnh mẽ trong việc tạo lập một môi trường hợp tác đa cấp độ, kết nối toàn cầu, kết nối chặt chẽ doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu, các chuyên gia nhà khoa học, với chính quyền và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển xanh, thông minh, bền vững.

Quang cảnh Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024. Ảnh: P. Linh

Quang cảnh Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024. Ảnh: P. Linh

Sáng 02/12, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 với chủ đề "Đô thị thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc. Hội nghị do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, thu hút khoảng 2.000 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á năm 2024 gồm 8 phiên toàn thể và các chuyên đề: Đô thị thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững, Thành phố thông minh - Quản trị, điều hành Thành phố linh hoạt dựa trên dữ liệu; Giải pháp, hạ tầng, nền tảng số thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững; Chiến lược công nghiệp bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội; Giải pháp công nghệ xuất sắc thúc đẩy thành phố xanh, thông minh; Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững; NetZero - Môi trường và năng lượng hướng tới đô thị không phát thải 2050; Nhà thông minh cho sức khỏe và tiện ích…

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: P. Linh

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: P. Linh

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - cho biêt, đến nay, có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh trong đó:14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.

Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Hơn 50 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 200 IOC cấp huyện. Các đô thị đều đã hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn và giải pháp. Hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với riêng Hà Nội, Thành phố đã sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản; 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội đã có nhiều chủ trương cụ thể thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chương trình số 07-CTr-TU 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND thành phố Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang trong quá trình xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cụ thể phải triển khai thông qua Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với các trọng tâm: Kết hợp tư duy toàn cầu, giải pháp địa phương, hành động Hà Nội; thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động; phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển Thành phố thông minh; đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị thông minh; ưu tiên hạ tầng thông tin thông minh; xây dựng hạ tầng dữ liệu tích hợp, chia sẻ, dùng chung, hạ tầng kết nối đồng bộ; Hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm xây dựng Thành phố thông minh.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như: Giao thông đô thị, Bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa, du lịch và Bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết được các ưu tiên này, Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị thông minh; triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - phát triển đô thị; cơ sở dữ liệu định danh - dữ liệu chủ các ngành lĩnh vực; hồ dữ liệu thành phố Hà Nội; triển khai dữ liệu giao thông và hệ thống phân tích giao thông thông minh; hệ thống phân tích dữ liệu để dự báo biến đổi dân số và lao động; kho dữ liệu và nền tảng phân tích an ninh, trật tự; phát triển cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh.

Liên quan đến chiến lược dữ liệu đến năm 2030, Giám đốc Nguyễn Việt Hùng khẳng định, dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đồng thời, dữ liệu còn là nền tảng đảm bảo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành một thành phố thông minh, tiên tiến, kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường quản lý và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Thủ đô trong dài hạn.

Hà Nội đã có những quan điểm rõ ràng về dữ liệu như: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua dữ liệu; bảo mật và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu; đảm bảo tính liên thông và tương thích giữa các hệ thống dữ liệu; minh bạch và trách nhiệm giải trình; thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến áp dụng các quy hoạch, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu.

Từ đó, xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nước và khu vực, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Lễ trao Giải thưởng Thành phố thông minh, Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture) - Giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho các sinh viên và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day), triển lãm bên lề và các hoạt động kết nối giao thương sẽ được tổ chức.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ha-noi-no-luc-hien-thuc-hoa-muc-tieu-do-thi-thong-minh-36754.html