Nhìn lại bức tranh lợi nhuận ngành gỗ quý III: Gam màu sáng đã xuất hiện nhiều hơn
Sau thời gian dài khó khăn do nhu cầu với mặt hàng không thiết yếu suy giảm, gam màu sáng đã xuất hiện nhiều hơn trong bức tranh kinh doanh quý III của ngành gỗ, được thúc đẩy bởi thị trường xuất khẩu rộng mở.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành gần 93% mục tiêu 14,2 tỷ USD của cả năm 2024.
Bên cạnh thị trường chủ lực là Mỹ (chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của VIệt Nam), các thị trường như EU, Nhật Bản, Canada đều ghi nhận tăng trưởng.
Cùng với tín hiệu toàn ngành, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp gỗ cũng tích cực hơn so với cùng kỳ.
Những thuận lợi này đã được phản ánh trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ. Theo tổng hợp của phóng viên, trong 11 doanh nghiệp ngành gỗ trên sàn chứng khoán công bố BCTC quý III/2024, có 7 doanh nghiệp tăng lãi, 2 doanh nghiệp giảm lãi, 1 doanh nghiệp lãi trở lại và 1 đơn vị tiếp tục lỗ.
2 doanh nghiệp có số lãi sau thuế quý III hơn trăm tỷ là Gỗ An Cường (mã: ACG) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã: VIF), lần lượt tăng trưởng 24% và 57%.
Điểm tích cực trong bức tranh kinh doanh quý III của ACG là thị trường xuất khẩu khởi sắc, mang về gần 1.044 tỷ đồng doanh thu, tăng 8%; biên lãi gộp cải thiện từ mức 31% lên 31,4%.
Còn tại VIF, dù quý III năm nay không có doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản như quý III/2023, tuy nhiên thị trường của một số lĩnh vực công ty góp vốn có dấu hiệu hồi phục, sản lượng bán ra tăng nên tăng doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, VIF phát sinh doanh thu từ việc thoái vốn công ty con khoảng 25 tỷ đồng và giảm chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 23 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số trong kỳ.
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh chính của VIF, doanh thu bán gỗ nguyên liệu chiếm hơn nửa tổng doanh thu quý 3, đạt 200 tỷ đồng (giảm 7%), tuy nhiên, biên lãi gộp mảng này khá mỏng với chỉ 1,7%. Trong khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ là mảng sinh lời tốt nhất, đạt tỷ suất lãi gộp 53%, theo sau là bán rừng trồng 39%; bán đồ gỗ thành phẩm 26%; bán ván nhân tạo 16%....
Savimex (mã: SAV) có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao nhất với hơn 400% do đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách bán hàng phù hợp với tình hình thị trường, kiểm soát tốt các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Có thêm doanh thu khi sản lượng tiêu thụ ngành đá và gỗ tăng, Gỗ Phú Tài (mã: PTB) báo lợi nhuận tăng trưởng nhẹ 8%. Đồng thời, chi phí tài chính, lãi vay giảm và lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ đã góp phần tăng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng, mảng gỗ của Phú Tài mang về 2.549 tỷ đồng doanh thu, tăng 27%, chiếm 56% tổng doanh thu Công ty; biên lãi gộp cải thiện 2 điểm phần trăm lên 23%. Gỗ đang là mảng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của PTB, các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và châu Âu.
Cùng với bức tranh sáng của ngành, gỗ Đức Thành (mã: GDT) cũng báo lợi nhuận quý III tăng gần gấp đôi, lên 16 tỷ. Theo giải trình, doanh nghiệp cho hay doanh thu tăng do khách quay trở lại đặt hàng nhiều hơn trước, và có nhiều doanh thu từ việc cho thuê nhà xưởng. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện dồn 3 nhà máy lại thành 1 nên tiết giảm các chi phí quản lý, nhân sự, vận chuyển... Ngoài ra, còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng của 2 nhà máy đã dời đi.
Ngược lại, Gỗ Trường Thành (mã: TTF) dường như chưa tìm được hướng “thoát khó”, khi tiếp tục lỗ hơn 21 tỷ đồng trong quý III, nâng tổng lỗ 9 tháng lên gần 27 tỷ đồng. Nhìn lại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, con số lỗ đã xuất hiện liên tục từ năm 2016-2023, với số lỗ năm 2016 lên tới hơn 1.270 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2024, TTF lỗ lũy kế gần 3.268 tỷ đồng.
Công ty cho biết, do thị trường của các khách hàng lớn gặp nhiều khó khăn nên doanh thu xuất khẩu giảm. Công ty đang tập trung mở rộng và tìm kiếm khách hàng mới tại EU, Mỹ, đặc biệt châu Á, Dubai, Australia và Đông Á nhằm tăng sản lượng trong quý IV/2024.
Thách thức khi thị trường ngày càng khắt khe
Trao đổi với phóng viên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, các thị trường lớn vẫn ưa thích các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đơn hàng có dấu hiệu tăng dần, cho thấy những dấu hiệu tích cực cho năm 2025.
Giới đầu tư kỳ vọng với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc của ông Trump sẽ tạo cơ hội xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên trong thời gian tới; song song đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhờ lợi thế nguyên liệu, chi phí sản xuất rẻ hơn.
Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đang gặp nhiều thách thức lớn khi đối mặt với các yêu cầu quốc tế ngày càng khắt khe. Quy định chống phá rừng và trách nhiệm giải trình theo luật Lacey Act của Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Điều này đòi hỏi nhiều chi phí và thủ tục, làm tăng áp lực lên doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Theo dữ liệu từ Virac, ngoài Mỹ, châu Âu cũng áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin về quy trình sản xuất và lượng khí thải.
Điều này gây ra thách thức không nhỏ cho ngành gỗ, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chi phí tuân thủ các quy định về môi trường có thể làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.
Giá cước vận tải biển đang duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Doanh nghiệp phải đối mặt với việc chi phí logistics tăng mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu cũng tăng đáng kể, đặc biệt từ các quốc gia châu Phi và Nam Mỹ, làm giảm biên lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành gỗ với quy mô ước tính lên tới 10 tỷ USD. Với dân số khoảng 100 triệu và tầng lớp trung lưu tăng mạnh, nhu cầu về đồ nội thất và sản phẩm gỗ ngày càng cao.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc khai thác thị trường nội địa sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong nước.
Hiện tại, khoảng 90% đồ nội thất cao cấp trong nước vẫn là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ các nước châu Âu và Nhật Bản. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển các thương hiệu nội địa vẫn còn rất lớn nếu doanh nghiệp chú trọng hơn vào chất lượng và thiết kế phù hợp.