Hà Nội: Phát huy tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu các cấp

Ngày 19/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII, giai đoạn 2021-2025 về 'Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025'.

Báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo thông tin, trong nửa nhiệm kỳ, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lương Toàn)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lương Toàn)

Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cơ bản đạt kết quả tốt. Đến nay, đã có 7/14 chỉ tiêu cơ bản đạt. Trong đó, chỉ tiêu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, cải cách hành chính vượt so với kế hoạch đề ra như: Nhiệm vụ thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; Chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, chỉ tiêu cán bộ nữ, cán bộ trẻ; Chỉ số SIPAS, PAPI...

Công tác cải cách hành chính có 5/10 tiêu chí vượt cao hơn chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra, 14/18 nhiệm vụ đã hoàn thành và 4 nhiệm vụ đang được thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch. Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố được cải thiện qua từng năm.

Trong quý I/2023, Thành phố triển khai ứng dụng 2 phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên của Thành ủy Hà Nội”, xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng phần mềm sổ tay điện tử đảng viên. Đến nay 48/48 đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã triển khai kế hoạch cài đặt sổ tay điện tử; có trên 418.000 đảng viên đủ điều kiện cài đặt sổ tay điện tử.

Công tác phát triển đảng viên năm 2021 vượt kế hoạch đề ra, kết nạp được trên 10 nghìn đảng viên; thành lập được 97 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Năm 2022 đã củng cố 28/39 tổ chức cơ sở Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”; Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giám sát thì mở rộng... Cấp ủy các cấp đã kiểm tra đối với trên 3.500 lượt tổ chức đảng, trên 990 đảng viên; Giám sát đối với trên 2.200 lượt tổ chức đảng, 1.098 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt tổ chức đảng và 756 đảng viên, kết luận 122 tổ chức đảng (chiếm 38%) và 332 đảng viên (chiếm 44%) có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng và 236 đảng viên.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo. (Ảnh: Lương Toàn)

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo. (Ảnh: Lương Toàn)

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, một trong những kết quả nổi bật là Hà Nội đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị; luôn phát huy dân chủ, trí tuệ trong bàn bạc, thảo luận.

Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã tập trung đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo của Đảng vừa toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng, trúng vấn đề cần tập trung chỉ đạo; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Thành ủy Hà Nội đã tăng cường phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đối với những lĩnh vực, địa bàn phân công phụ trách, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình 01 với nhiều cố gắng đổi mới, sáng tạo của các ban Đảng Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp. Với tinh thần đổi mới đó, Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, dự án, nhiệm vụ lớn. Kết quả này đã giúp cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý những hạn chế còn tồn tại cần tập trung khắc phục ngay. Trong đó, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân còn nhiều hạn chế, chưa thực sự quan tâm giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh; còn nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài 10 năm, 20 năm chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân...

Công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Vai trò hạt nhân của một số cấp ủy tổ chức Đảng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế, có nơi còn để xảy ra mất đoàn kết nội bộ.

Tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và kỷ luật, kỷ cương còn hạn chế; hiện tượng ngại khó, ngại khổ, đùn đẩy trách nhiệm vẫn còn tồn tại... Công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội chưa được bao quát hết. Ý thức trách nhiệm của một phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế; vẫn có cán bộ vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, ngại tham mưu, ngại đề xuất, ngại thể hiện quan điểm, chính kiến của mình...

Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như quy hoạch, đất đai, trật tự đô thị, úng ngập, ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, rác thải, nước thải, nước sạch sinh hoạt, phòng cháy, chữa cháy còn nhiều tồn tại, bất cập.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy các cấp, các thành viên Ban Chỉ đạo phân công phụ trách, đề ra biện pháp nghiệp vụ, cụ thể để từng bước khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém.

Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành cần xác định rõ đây là thời điểm sơ kết giữa nhiệm kỳ, phải xác định rõ được đầy đủ ưu điểm, hạn chế trong thực hiện; qua đó, đối với những việc đã tốt thì phải nhân lên. Các địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải tích cực chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, nhất là về các mô hình mới, cách làm hay về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội...

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh thêm một số yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết, cấp bách cần chú trọng thực hiện. Cụ thể như tập trung phát huy hơn nữa tính tiên phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp.

Đối với một số chủ trương, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm, chiến lược, lâu dài nhằm khai thác, khơi thông nguồn lực cho Thủ đô phát triển đã được triển khai rồi, phải tiếp tục triển khai một cách thực chất để tạo bước đột phá về phát triển như: Đề án về phân cấp, ủy quyền; Đề án quản lý tài sản công; xử lý các dự án chậm triển khai; Đề án cải tạo chung cư cũ...

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025 không còn dài, trong khi từ cuối năm nay và sang năm 2024, các cấp ủy Đảng đã phải tập trung chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được phân công; chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương được phân công nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-phat-huy-tinh-tien-phong-guong-mau-cua-nguoi-dung-dau-cac-cap-154815.html