Hà Nội qua những thước phim xưa và nay

Tôi đặc biệt thích những dòng phim về Hà Nội xưa, nhất là những phim được chọn lọc để công chiếu vào những dịp đặc biệt như Giải phóng Thủ đô. Những thước phim đen trắng có một Hà Nội nhộn nhịp, ngập tràn cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ, hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực, hân hoan trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Âm hưởng chiến thắng vang vọng qua 70 năm tới tận thế hệ hôm nay đầy tự hào, kiêu hãnh.

Hà Nội trong tôi:

Một cảnh trong bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ". Ảnh: tư liệu

Một cảnh trong bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ". Ảnh: tư liệu

Đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta, ngày Giải phóng Thủ đô có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là sự kiện đánh dấu thời khắc Thủ đô vừa giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân Pháp vừa đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm. 70 năm trôi qua nhưng ngày Giải phóng Thủ đô vẫn luôn là mốc son chói lọi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Những bộ phim tài liệu về Hà Nội có tuổi đời từ rất lâu nên quang cảnh và con người Hà Nội hiện lên trong những thước phim đen trắng, khung cảnh đường phố vắng vẻ, yên bình. Tôi rất thích hình ảnh người con gái Hà Nội trong những thước phim xưa với mái tóc tết hai bên đặc trưng một thời, hoặc kiểu tóc phi - dê ngắn, những thanh niên Hà Nội năm ấy họ đèo nhau trên chiếc xe đạp hoặc nắm tay nhau dạo bước bên hồ. Phố vắng, người thưa, tiếng chuông xe đạp, tiếng tàu điện leng keng là những âm thanh, hình ảnh nhẹ nhàng nhưng có sức lôi cuốn và hấp dẫn đặc biệt để thế hệ chúng tôi tìm lại ký ức một thời của Hà Nội chân chất, mộc mạc nhưng vẫn rất thanh lịch.

Trong những bộ phim ấy, chúng tôi cảm nhận và thấy được cả những xung đột lý tưởng và giá trị bắt đầu xảy ra khi chiến tranh vừa qua đi, hòa bình vừa lập lại trong bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của đạo diễn Đức Hoàn. Sự thay đổi của thời cuộc khiến cả số phận và tình yêu của những người trẻ đổi thay. Những bộ phim giàu chất hiện thực và mang những hơi thở mới mẻ của thời bao cấp cho lớp trẻ chúng tôi những hình dung chân thực và sống động về bối cảnh Hà Nội khó khăn một thời.

Bộ phim “Ngõ hẹp” của đạo diễn Bạch Diệp (dựa theo tiểu thuyết “Mưa mùa hè” của nhà văn Ma Văn Kháng) kể về giai đoạn cuối thập niên 80, khi xã hội có sự thay đổi về đời sống vật chất, một số người đã bị tác động bởi đồng tiền rồi có những sự ngộ nhận về các giá trị trong cuộc sống cũng mang lại cho chúng tôi những điều đáng suy ngẫm.

Dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô năm nay, chúng ta lại cùng chờ đón những thước phim về Hà Nội xưa và nay. Để thấy được những góc nhìn mới mẻ của những đạo diễn tài năng, những góc quay và lối diễn xuất sắc sảo của các diễn viên để thấy và cảm nhận rõ nét những thành quả mà thế hệ hôm nay chũng ta có được, càng thêm quyết tâm gìn giữ, trân trọng và biết ơn tới thế hệ cha ông, trân trọng từng thời khắc lịch sử, từng sự đổi thay của đất, của người Hà Nội qua những thời kỳ. Chính những thước phim ấy là cầu nối giữa các thế hệ để đời đời khắc ghi lịch sử hào hùng của dân tộc.

Dù là Hà Nội trong phim là Hà Nội của những năm tháng xưa cũ, nhưng những giá trị để lại cho thế hệ trẻ luôn có những điểm tương đồng khiến chúng tôi trăn trở, suy ngẫm để luôn cố gắng, phấn đấu, hoàn thiện bản thân tốt hơn nữa, xứng đáng với cuộc sống bình yên mà mình được trao tặng.

Mai Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-qua-nhung-thuoc-phim-xua-va-nay-383094.html