Hà Nội quy định biện pháp giảm phát thải nhựa: Thay đổi hành vi tiêu dùng

Theo thống kê, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, riêng Hà Nội, con số lên tới 1.427 tấn mỗi ngày.

Hà Nội siết chặt sử dụng túi ni lông, tiến tới cấm hoàn toàn từ năm 2031. Ảnh minh họa: INT

Hà Nội siết chặt sử dụng túi ni lông, tiến tới cấm hoàn toàn từ năm 2031. Ảnh minh họa: INT

Với mục tiêu “xanh hóa” môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết, đặt ra lộ trình cụ thể tiến tới cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, hộp nhựa xốp.

Lộ trình siết chặt theo từng năm

Sáng 10/7, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn Thủ đô, căn cứ theo điểm d, khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô. Nghị quyết này đặt ra những mục tiêu và lộ trình cụ thể nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày.

Đối với lĩnh vực sản xuất, kể từ 1/1/2028, các doanh nghiệp có sử dụng nhựa PE và PP trong sản xuất bao bì sẽ bắt buộc phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế. Mức tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng lên tối thiểu 30% kể từ 1/1/2030. Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và những mặt hàng có chứa vi nhựa.

Đặc biệt, từ 1/1/2031, Hà Nội sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, ngoại trừ những sản phẩm đã được cấp chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.

Trong hoạt động thương mại và phân phối, thành phố yêu cầu kể từ 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được phép cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học. Từ 1/1/2028, các cơ sở kinh doanh này cũng sẽ không được lưu hành và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, bao gồm túi ni lông, hộp nhựa xốp sử dụng để đóng gói hoặc chứa đựng thực phẩm.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các sản phẩm và hàng hóa đã được đóng gói sẵn với loại bao bì nói trên trước thời điểm có hiệu lực. Bên cạnh đó, các đơn vị bán hàng trực tuyến cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa và vật liệu chống sốc làm từ nhựa. Các doanh nghiệp này phải chủ động thu hồi các loại bao bì và vật liệu kể trên để tránh gây thất thoát ra môi trường.

Từ 1/1/2026, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, và điểm du lịch sẽ không được phép sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm cũng như các loại bao bì nhựa dùng một lần để đựng kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể và các sản phẩm tương tự.

Trong các hoạt động sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính Nhà nước, thành phố yêu cầu tuyệt đối không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, bao gồm túi ni lông và hộp nhựa xốp đựng thực phẩm, trừ trường hợp các sản phẩm này được cấp Nhãn sinh thái Việt Nam.

Ngoài ra, từ 1/1/2028, các loại bao bì nhựa khó phân hủy sinh học cũng sẽ bị cấm sử dụng để chứa đựng hoặc tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Sống xanh là trách nhiệm

Theo thống kê, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Riêng Hà Nội, con số lên tới 1.427 tấn mỗi ngày, trong đó, hơn 60% là túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Nhiều chuyên gia cho rằng, túi ni lông đang trở thành “mối nguy” với sức khỏe con người. Không chỉ tồn tại dai dẳng trong tự nhiên, khi đốt túi ni lông sẽ phát sinh khí độc dioxin, furan… những chất này có thể gây ngộ độc, giảm miễn dịch, rối loạn chức năng và ung thư.

Phần lớn túi ni lông trên thị trường là loại tái chế từ nhựa bẩn, có nguy cơ chứa chì, cadimi, kim loại nặng gây tổn thương gan, thận, vô sinh hoặc dậy thì sớm. Đặc biệt, khi dùng để đựng thực phẩm nóng, các chất phụ gia trong nhựa dễ bị thôi nhiễm vào đồ ăn, tạo ra những tác động lâu dài đến nội tiết và sức khỏe.

Trong khi đó, về mặt môi trường, túi ni lông bị vứt bừa bãi có thể làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây ngập úng, tạo điều kiện cho muỗi và vi khuẩn sinh sôi. Dưới lòng sông, ngoài biển, chúng bị sinh vật nhầm là thức ăn, gây tử vong hàng loạt cho động vật thủy sinh.

Ngay sau khi thông tin cấm túi ni lông được công bố, nhiều tiểu thương cũng bày tỏ sự ủng hộ với quy định này. Bà Nguyễn Huệ Phương đang kinh doanh tạp hóa tại TP Hà Nội chia sẻ, bản thân bà đã không chờ lệnh cấm mà chủ động thay đổi từ bên trong ngay từ những hành vi nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày. Bởi sống xanh không chỉ là lựa chọn, mà là trách nhiệm.

“Tôi thấy đây là việc cần làm bởi việc thay thế túi ni lông bằng những sản phẩm không làm hại môi trường như túi giấy thì có thể làm tăng giá sản phẩm lên vài trăm đồng cũng không sao. Vì vài trăm đồng đó không quan trọng bằng sức khỏe của con người phải được đảm bảo. Tôi mong tất cả người bán hàng phải làm thường xuyên, lâu dần thì người dân mới có thể thay đổi thói quen được”, bà Phương cho biết.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, cần có chính sách áp dụng mức thuế cao đối với việc sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy, qua đó làm tăng chi phí sử dụng và giảm động lực tiêu dùng.

Song song, ban hành các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và độ an toàn cho các sản phẩm thay thế như túi sinh học, hộp giấy, túi vải... Bên cạnh đó, phía chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên công nhận các chứng chỉ quốc tế uy tín dành cho sản phẩm sinh học. Chẳng hạn như chứng chỉ compostable của châu Âu hoặc Mỹ - để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường và tiếp thị sản phẩm.

Ngoài ra, việc khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế và sản xuất vật liệu sinh học nội địa cũng đóng vai trò then chốt, giúp Việt Nam chủ động nguồn cung, giảm chi phí sản xuất và hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu sản phẩm thay thế từ nước ngoài.

Tại Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ngày 12/7, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn... nằm trong Vành đai 1. Việc thí điểm sẽ thực hiện từ quý IV/2025 và nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Bảo Hân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-quy-dinh-bien-phap-giam-phat-thai-nhua-thay-doi-hanh-vi-tieu-dung-post739917.html