Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập yêu cầu tổ chức tiếp nhận, điều trị và quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ khi có người nghi ngờ mắc Covid-19.
Theo đó, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh nội trú, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và tuyến thành phố, Bệnh viện Phổi Hà Nội sẽ tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Tập trung phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…).
Đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày. Bố trí khu vực cách ly điều trị, mỗi bệnh viện tối thiểu 10 giường bệnh cách ly để thu dung và điều trị cho người bệnh; nghiêm túc thực hiện thường trực cấp cứu, tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân.
Phải triển khai cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định. Khu vực điều trị cách ly chia thành 3 đơn nguyên: khu vực người bệnh nghi ngờ, khu vực người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu vực lưu giữ người bệnh trước khi xuất viện.
Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện phải có phương án vận chuyển người bệnh khi có chỉ định chuyển tuyến điều trị. Thực hiện chuyển tuyến theo phân tuyến điều trị khi người bệnh có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. Có phương án mở rộng khu cách ly theo từng cấp độ dịch.
Với các bệnh viện chuyên khoa, bên cạnh việc tổ chức phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, chuẩn bị tối thiểu 10 giường cách ly, Sở Y tế chỉ đạo chuyển tuyến các bệnh nhân nghi ngờ đến các bệnh viện được Sở Y tế phân công. Khi dịch ở cấp độ 3 trở lên thì các bệnh viện này thực hiện thu dung và điều trị cách ly người bệnh theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.
Thực hiện các nội dung chuyên môn kỹ thuật về phòng chống dịch; thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh và những người liên quan, không để lây nhiễm bệnh cho cán bộ y tế.
6 bệnh viện được phân tuyến cuối điều trị là Đức Giang, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Hà Đông, Sở Y tế yêu cầu tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi đến khoa khám bệnh; bố trí khu vực cách ly; triển khai cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định.
Khi có người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19 do các tuyến chuyển đến hoặc từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chuyển về được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại khu vực điều trị cách ly.
Trong trường hợp có ca bệnh diễn biến nặng vượt quá khả năng chuyên môn sẽ chuyển người bệnh tới tuyến cuối theo phân tuyến của Bộ Y tế; hoặc báo cáo Bộ Y tế để điều động đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 hỗ trợ. Mở rộng khu vực cách ly theo từng cấp độ dịch.
Bệnh viện Bắc Thăng Long và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thu dung, cách ly cả các trường hợp nghi ngờ phát hiện tại cửa khẩu Nội Bài. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thu nhận, cách ly cả các trường hợp người nước ngoài, trẻ em, phụ nữ có thai. Thực hiện chuyển tuyến theo quy định.
Các bệnh viện tuyến cuối của trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 Kim Chung, 500 giường bệnh) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các cơ sở khám chữa bệnh không có giường bệnh nội trú, tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi đến khám; có phương án vận chuyển người bệnh khi có chỉ định chuyển tuyến; thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế; chuẩn bị sẵn sàng các giường cách ly (theo khả năng của đơn vị) để thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị, cách ly khi nhận được yêu cầu từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp.
* Tính đến trưa 9-3, Hà Nội vẫn ghi nhận 4 bệnh nhân nhiễm Covid-19, đồng thời đang giám sát y tế chặt chẽ với 164 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm.
Sau khi ghi nhận 4 bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19, trong đó có bệnh nhân số 17 và bệnh nhân số 21 trở về từ châu Âu trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airline (chuyến bay đã ghi nhận tổng cộng 11 ca mắc Covid-19), hiện nay, thành phố Hà Nội đang tập trung điều tra dịch tế để xác định các đối tượng tiếp xúc “F1”, “F2”, “F3” với những ca bệnh, đồng thời tổ chức cách ly theo hướng nâng lên một cấp.
Cụ thể, đối với trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh (F1) sẽ cách ly tại các cơ sở y tế; đối tượng “F2” cách ly tại nhà có sự giám sát; “F3” khuyến cáo nếu xuất hiện biểu hiện ho sốt phải đến cơ sở y tế.
Trong trường hợp, nếu đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 “ F1” dương tính thì toàn bộ “F2” phải chuyển lên “F1” và cách ly tại cơ sở y tế, để tránh bỏ sót và ngăn ngừa việc lây lan trong cộng đồng.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã và đang áp dụng cơ chế cách ly 4 vòng để phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, gồm:
Vòng 1: Cách ly tại cơ sở y tế với các trường hợp nhiễm bệnh và người nhà đã tiếp xúc gần với bệnh nhân (cũng coi như là bệnh nhân).
Vòng 2: Cách ly tại cơ sở cách ly tập trung dành cho người tiếp xúc gần với người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân.
Vòng 3: Cách ly tại cộng đồng (tại nhà) đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, y tế.
Vòng 4: Cách ly cả một cộng đồng nếu có nhiều ca bệnh.