Hà Nội sẽ thay tuyến buýt BRT bằng đường sắt đô thị?

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã trả lời báo chí liên quan đến thông tin thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị tại buổi họp báo chiều nay (26.6).

Theo đó, ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội cho biết, theo quy hoạch xác định buýt BRT là một trong những hình thức vận tải hành khách lớn, quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách của Thủ đô, có vai trò quan trọng trong thời gian vừa qua.

"Để bảo đảm tiếp tục kế thừa và phát huy quy hoạch cũ, đối với quy hoạch chung 1259 và quy hoạch 519 - quy hoạch giao thông vận tải đang được thành phố cho rà soát lại. Xác định giai đoạn tới tập trung vào quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị", ông Phong nói.

Ông Đào Duy Phong cho biết, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND TP.Hà Nội liên quan đến quy hoạch 14 tuyến vận tải hành khách đối với đường sắt đô thị.

"Riêng đối với các tuyến buýt BRT có triển khai trong thời gian tới hay không? Sau khi quy hoạch đối với các tuyến đường sắt đô thị thì Sở GTVT sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này. Dự kiến sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trong giai đoạn sau 2030 đối với các tuyến buýt BRT", ông Phong nói.

Vào tháng 4 vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP.Hà Nội về chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung thủ đô, đồng bộ với quy hoạch thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng thủ đô.

Đối với đường sắt đô thị, ông Tuấn cho biết, thành phố sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. "Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị. Với tuyến BRT, theo điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô, thành phố sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị", ông Tuấn cho biết thêm.

Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung cao độ nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Đồng thời, thành phố cũng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 - 2026 lên khoảng 30%.

Tuyến buýt nhanh BRT hiện hữu ở Hà Nội là tuyến số 01 Kim Mã - Hà Đông, được đưa vào sử dụng tháng 12.2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng). Tuyến có chiều dài hơn 14km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỉ đồng/xe.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù được đầu tư với kinh phí đắt đỏ nhưng sau nhiều năm vận hành, tuyến buýt nhanh BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng ở cả 3 tiêu chí nêu trên. Thậm chí, có ý kiến cho rằng tuyến buýt này đang gây bất cập, lãng phí hạ tầng giao thông khi buýt chuyên chở được ít nhưng chiếm nhiều diện tích đường.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ha-noi-se-thay-tuyen-buyt-brt-bang-duong-sat-do-thi-218846.html