Hà Nội: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất tạo năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao được quan tâm chú trọng.
Hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng cũng được thực hiện tốt. Vấn đề nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch TP giao (2,5 - 3%/năm).
Trong năm 2022, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58% so cùng kỳ (đạt chỉ tiêu, kế hoạch Thành phố giao). Sang quý I/2023, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,11%. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung đảm bảo tiến độ khung thời vụ, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương quan tâm thực hiện. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so cùng kỳ năm trước.
Đối với trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2022 đạt 228.568ha, giảm 2,84% so với năm 2020 (năm 2020 là 235.247ha); sản lượng lương thực có hạt năm 2022 ước đạt 1.025,3 nghìn tấn, giảm 2,66% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 đạt 1.053,3 nghìn tấn). Diện tích sản xuất nông nghiệp có xu thế giảm theo từng năm do quá trình đô thị hóa tuy nhiên sản xuất trồng trọt có nhiều tiến bộ, cơ cấu nội bộ lĩnh vực trồng trọt chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các giống cây trồng chất lượng cao, có giá trị cao, hiệu quả sản xuất, diện tích lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, cây cảnh tiếp tục được mở rộng.
Cơ cấu giống lúa trong sản xuất của TP đang chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích sản xuất các loại giống mới, chất lượng cao, tỷ lệ diện tích sản xuất lúa chất lượng cao tăng từ 55,3% (năm 2020) lên 61,7% vào năm 2022. Cơ cấu giống trong sản xuất rau, màu và hoa liên tục được bổ sung các chủng loại giống mới, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Cơ cấu cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cây đặc sản như bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, ổi lê, cam,... chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả của TP.
Ngoài ra, một số loại giống cây ăn quả mới đang được du nhập và phát triển trên địa bàn TP (như một số giống xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, một số giống táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím,...) bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.
Đối với ngành chăn nuôi, giá trị sản xuất ngành liên tục tăng trong giai đoạn từ 2020 đến nay. TP đã chỉ đạo đẩy mạnh việc tái đàn theo quy định, tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định, hàng năm cung ứng giống lợn, giống bò, giống gia cầm và các dịch vụ khác cho nông dân sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Đến nay, đã hình thành và tổ chức hoạt động 46 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm với 1.601 thành viên là hộ, trại chăn nuôi, công ty thu mua, giết mổ, sơ chế, chế biến tham gia.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP có 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, trong đó có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Một số mô hình liên kết chuỗi điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và Bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến;…
Các chuỗi đã tạo ra diện mạo mới, tạo bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế. Các liên kết chuỗi đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất, và cho cả người tiêu dùng thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình 04, trong định hướng từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,5 - 3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên và công nhận thêm 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường.