Hà Nội tăng mức phạt vi phạm, siết chặt an toàn thực phẩm
Ngày 28/11, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đề xuất tăng mức phạt vi phạm
Dự thảo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo các bước đảm bảo đúng quy định, các văn bản như báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp, báo cáo đánh giá tác động đều được chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, về bố cục của dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu sửa lại để đảm bảo ngắn gọn, đủ ý, đủ sức thuyết phục.
Để bảo đảm Nghị quyết khi ban hành sớm đi vào đời sống, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đẩy mạnh vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng thông qua các đường dây nóng về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm…
Trước đó, báo cáo dự thảo Nghị quyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Dương cho biết, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời triển khai thi hành Luật Thủ đô, Sở Y tế đề xuất Thường trực HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính là mức tối đa theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024.
Việc đề xuất mức tiền phạt như vậy để tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Siết chặt quản lý, đảm bảo lợi ích cho người dân
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã nêu ý kiến sâu sắc, tâm huyết đóng góp vào dự thảo Nghị quyết. Các chuyên gia cùng quan điểm cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, tuy đã có những chế tài xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa đủ sức răn đe.
Việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu những nội dung trao đổi của các chuyên gia để bổ sung các căn cứ pháp lý.
Để thực hiện Nghị quyết tốt nhất, các đại biểu cho rằng cần thêm những biện pháp thiết thực hơn, như tăng cường tuyên truyền; khuyến khích vai trò giám sát của nhân dân, nên có hình thức khen thưởng đối với những cá nhân phát hiện hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm các điều kiện để chính quyền cơ sở có đủ sức kiểm tra, giám sát.
Đối với các hành vi bị xử phạt tại Điều 3, cần có sự phân chia mức phạt nặng nhẹ để tránh phát sinh tiêu cực, bởi Luật Thủ đô chỉ quy định mức phạt không quá 2 lần, không có nghĩa là hành vi nào cũng là 2 lần…
Có thể nói, vấn đề an toàn thực phẩm đang được chính quyền và các cơ quan quản lý TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND về việc triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025.
Theo đó, trong năm 2025 phấn đấu 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và cơ bản đáp ứng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Trong đó, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh cố định được cấp Giấy đăng ký kinh doanh; 100% người sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định; 100% cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; 100% cơ sở có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và phù hợp với loại hình, mặt hàng sản xuất, kinh doanh; 100% cơ sở mở hệ thống sổ sách, ghi chép,… truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm.
Theo Kế hoạch số 331 vừa ban hành, UBND Thành phố yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP. Hà Nội đạt hiệu quả, bảo đảm theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trước mắt, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho dịp cuối năm 2024 và dịp Tết năm 2025, Sở Công Thương Hà Nội dự kiến tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời bám sát chỉ đạo của Thành phố để xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.