Hà Nội tập trung phòng, chống dịch sởi lây lan
Hiện nay, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (CDC Hà Nội) nhận định, sẽ tiếp tục ghi nhận những ca bệnh trong tháng cuối năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, nên người dân phải chủ động biện pháp phòng tránh.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 22 đến 28/11), thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi. Trong đó, 23 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vaccine phòng sởi, không có ca tử vong.
Cộng dồn năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 140 trường hợp mắc tại 26 quận, huyện, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, có 43 trường hợp dưới 9 tháng (30,7%), 21 trường hợp 9-11 tháng (15%), 23 trường hợp 12-24 tháng (16,4%), 19 trường hợp 25-60 tháng (13,6%), 34 trường hợp trên 60 tháng (24,3%).
CDC Hà Nội nhận định, bệnh sởi số mắc đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng Khoa Nhi Tiêu hóa-Dinh dưỡng-Lây, Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn, cho biết: “Từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 67 bệnh nhi bị mắc sởi kèm biến chứng viêm phổi điều trị nội trú. Trong đó, đã có những bệnh nhân bị biến chứng suy hô hấp cần thở oxy, một ca bị viêm cơ tim”.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 90%). Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như người chưa được tiêm vaccine phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.
Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng mùa đông lạnh giá và giai đoạn chuyển mùa sang xuân là thời điểm lý tưởng để virus sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như: Trẻ sốt cao, mệt li bì 5-7 ngày, ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt, trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng do có hệ miễn dịch kém nên virus sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, virus sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác.
Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng như viêm não, viêm cơ tim...
Các bác sĩ lưu ý, người dân cần chủ động tiêm vaccine sởi cho cả người lớn và trẻ em. Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hiện nay. Đặc biệt, phụ nữ đang có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine sởi trước 3 tháng. Khi bị bệnh sởi, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị vì nếu không đúng cách có thể làm bệnh trở nặng và dễ bị nhiều biến chứng.
Từ ngày 14/10, CDC Hà Nội phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.
Kết quả, tính đến ngày 15/11, đã tiêm được 57.903 đối tượng, đạt tỷ lệ 95-96% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chiến dịch.
CDC Hà Nội cũng phối hợp các trung tâm y tế tổ chức khoanh vùng, điều tra, xử lý các khu vực ghi nhận ca bệnh, ổ dịch sởi; Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Riêng trong các bệnh viện, để phòng chống lây lan bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc khám sàng lọc, phân luồng, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh.
Ngoài ra, các bệnh viện phải bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa truyền nhiễm hay khoa lâm sàng khác, bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly điều trị riêng, tuân thủ quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-tap-trung-phong-chong-dich-soi-lay-lan-post848720.html