Hà Nội: thi đua đổi mới, sáng tạo, vì một nền 'hành chính phục vụ'

Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do UBND, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TP phát động, phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) đã được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thuộc TP chú trọng triển khai, hướng tới nền hành chính hành động, phục vụ, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Hướng vào trọng tâm cải cách thủ tục hành chính

Theo UBND TP Hà Nội, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) giai đoạn 2016-2020”, các cấp, ngành TP đã triển khai kịp thời, phát động sâu rộng trong đội ngũ CBCCVC, người lao động và các cơ quan, đơn vị trong toàn TP. Xác định là một phong trào trọng tâm, khâu đột phá của TP gắn với Chương trình số 08-CTr/TU, thi đua đẩy mạnh CCHC đã được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện trên mọi nội dung tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới nền hành chính hành động, phục vụ, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đáng chú ý, tháng 4/2021, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TP ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Đẩy mạnh CCHC trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Trọng tâm là thi đua cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm công khai minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí; tổ chức bộ máy các cơ quan được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; thi đua cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công.

Đồng thời, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của CBCCVC TP theo phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tránh nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc.

Thi đua cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã có chuyển biến mạnh mẽ trong thi hành công vụ theo phương châm ''5 rõ'' (Ảnh: Công chức bộ phận ''một cửa'' Sở Nội vụ Hà Nội hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính)

Thi đua cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã có chuyển biến mạnh mẽ trong thi hành công vụ theo phương châm ''5 rõ'' (Ảnh: Công chức bộ phận ''một cửa'' Sở Nội vụ Hà Nội hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính)

Cụ thể, TP đã chính thức vận hành hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; duy trì Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và triển khai mở rộng các dịch vụ trực tuyến dùng chung mức độ 3, 4, tích hợp chữ ký số. Tỷ lệ DVCTT mức 3, 4 toàn TP ngày càng tăng. Chỉ số gia nhập thị trường ngày càng có sự cải thiện vượt bậc, đã tăng 53 bậc so với năm 2015. Các chỉ số về đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Bên cạnh đó, TP tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối các tổ chức của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII gắn với tinh giản biên chế. Trong đó, tập trung rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo hướng tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách. Với cải cách tài chính công, 100% ĐVSNCL đã được giao tự chủ tài chính thực hiện đúng kế hoạch của UBND TP, đồng thời để tận dụng nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 nhằm nhanh chóng xây dựng nền tảng phát triển nhanh hạ tầng viễn thông, xây dựng nền kinh tế số, xây dựng TP hướng tới là Thành phố thông minh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Song song đó, TP tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của các đơn vị đã sắp xếp, đề xuất bảo đảm tinh gọn đầu mối, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới căn bản, đồng bộ hệ thống ĐVSNCL theo hướng giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó, giảm mạnh về đầu mối.

Điển hình, đã thí điểm tổ chức Đội Quản lý TTXD-ĐT đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã; tổ chức lại Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện thuộc UBND cấp huyện và Trung tâm Y tế cấp huyện thuộc Sở Y tế; giải thể cơ quan Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP, thành lập Phòng công tác giải phóng mặt bằng thuộc Văn phòng UBND TP...

Quận Nam Từ Liêm triển khai mô hình ''Chính quyền, công sở thân thiện'' và xây dựng nét văn hóa “Nụ cười công sở”, ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân

Quận Nam Từ Liêm triển khai mô hình ''Chính quyền, công sở thân thiện'' và xây dựng nét văn hóa “Nụ cười công sở”, ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân

Cùng đó, TP ban hành kế hoạch CCHC hằng năm, tập trung vào: cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý Nhà nước và cung ứng DVC; cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số… TP cũng đẩy mạnh nghiên cứu triển khai số hóa sổ sách hộ tịch, dữ liệu hộ tịch điện tử theo lộ trình, yêu cầu của T.Ư.

Lan tỏa rộng khắp những mô hình sáng tạo

Theo Chánh Văn phòng Ban Thi đua-Khen thưởng TP Nguyễn Diên Thành, trong 10 năm qua, chính quyền TP đã tích cực chỉ đạo công tác CCHC tập trung nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền hàng năm như PCI, PAR IDEX, SIPAS, PAPI. Đến nay, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội xếp thứ 20/63, Chỉ số CCHC (PAR Index) xếp thứ 3/63, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) xếp thứ 30/63, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 12/63 tỉnh, TP.

Đặc biệt, từ thực tiễn triển khai phong trào thi đua CCHC, nhiều cơ quan, đơn vị đã sáng tạo, có những mô hình, chuyên đề thi đua đem lại hiệu quả thiết thực, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất trong giải quyết TTHC. Tiêu biểu là Cục thuế TP với giải pháp “Triển khai thí điểm đề án Văn phòng điện tử Cục thuế, mở rộng kê khai thuế qua mạng internet” và Đề án nộp thuế điện tử. Quận Nam Từ Liêm có mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, xây dựng nét văn hóa “Nụ cười công sở”, thực hiện “4 thư” đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC...

Mô hình ''Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn'' trong giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng loạt tại bộ phận ''một cửa'' UBND huyện Gia Lâm và 22 xã, thị trấn

Mô hình ''Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn'' trong giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng loạt tại bộ phận ''một cửa'' UBND huyện Gia Lâm và 22 xã, thị trấn

Tại huyện Gia Lâm, mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” trong giải quyết TTHC được xây dựng, triển khai đồng loạt tại bộ phận “một cửa” UBND huyện và 22 xã, thị trấn từ tháng 9/2022, đã mang lại hiệu quả to lớn. Theo đó, 28 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và 9 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã được nộp trực tiếp tại bộ phận “một cửa” vào thứ Ba hàng tuần sẽ được trả kết quả chỉ trong vòng 2 giờ làm việc (nhiều thủ tục chưa đến 2 giờ đã được nhận kết quả), trong đó công chức không viết giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

“Điểm sáng tạo của “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” chính là cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC không phải tự viết tờ khai, mà có đội ngũ tình nguyện viên nhập DVC cho TTHC và viết giúp (mọi thao tác liên quan DVCTT đều do công chức thực hiện). Chỉ sau 1 năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã giải quyết 37 TTHC tại cấp huyện và cấp xã sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận, với trên 20.000 hồ sơ, đạt trung bình 1.700 hồ sơ/ tháng”- Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Gia Lâm Phạm Hồng Hải chia sẻ.

Tại Quận Hai Bà Trưng, các mô hình “Ngày thứ Tư tốc ký”, “Một hồ sơ - Ba kết quả”… đã nhận được sự đánh giá cao của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Phát huy những kết quả tích cực trong CCHC, mới đây, UBND quận chính thức hoàn thành dự án “Số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết từ ngày 31/12/2021 trở về trước”, trở thành một trong những quận đầu tiên của Hà Nội thực hiện được số hóa dữ liệu hộ tịch từ năm 1956 đến hết năm 2023.

“Với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc”, dự án này cùng những mô hình thiết thực khác sẽ là bước chuyển mình quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của quận, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và đẩy mạnh tỷ lệ khai thác sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa. Từ đó, chúng tôi kỳ vọng ngày càng nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức khi giao dịch tại bộ phận “một cửa” các cấp thuộc quận, góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng nền “hành chính phục vụ”- Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND Quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hường bày tỏ.

Quận Hai Bà Trưng đặt mục tiêu ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân khi giao dịch tại bộ phận ''một cửa'' các cấp thuộc quận, góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng nền''hành chính phục vụ''

Quận Hai Bà Trưng đặt mục tiêu ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân khi giao dịch tại bộ phận ''một cửa'' các cấp thuộc quận, góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng nền''hành chính phục vụ''

Từ các mô hình thi đua CCHC, tại nhiều cơ quan, đơn vị thuộc TP đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu. Đó là công chức Văn phòng-Thống kê xã Tam Hiệp Nghiêm Thị Phương Chi với nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả tại địa phương, đã được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua TP và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Hay đó là anh Vũ Đức Duy- chuyên viên bộ phận “một cửa”, Văn phòng Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội với các giải pháp: lập phiếu hướng dẫn để tổ chức, công dân dễ dàng lập hồ sơ TTHC; rút gọn thành phần hồ sơ đối với TTHC cấp giấy phép quy hoạch; tự động thông báo khi có kết quả TTHC bằng tin nhắn và email. Đó cũng là ông Nguyễn Mạnh Hoạt- Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, đã có sáng kiến "Ứng dụng CNTT vào quản lý dân cư ở tổ dân phố”, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư giúp công tác quản lý dân cư của tổ hiệu quả hơn, nhất là trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019...

Có thể thấy, phong trào thi đua “Đẩy mạnh CCHC trên địa bàn TP Hà Nội” đã tạo bước chuyến biến mạnh về kỷ luật kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ CBCCVC toàn TP. Ghi nhận sự nỗ lực và kết quả đạt được trong phong trào thi đua này những năm qua, lãnh đạo TP đã biểu dương, trao thưởng cho 77 tập thể và 31 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-thi-dua-doi-moi-sang-tao-vi-mot-nen-hanh-chinh-phuc-vu.html