Không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua tại những khu chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Hàng Da, chợ Đồng Tâm..., nhiều tiểu thương ngồi cả ngày chỉ bán được 1-2 món hàng, thậm chí có ngày chẳng có khách đến xem.
Theo khảo sát của Mekong ASEAN, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đã không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp như trước. Một số gian hàng đóng cửa, những người còn lại cố gắng duy trì buôn bán để gồng lỗ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Dạo một vòng khu chợ hàng Da, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Đồng Tâm... nhiều sạp hàng đã đóng cửa, căng bạt nghỉ bán. Tại những chợ này, các gian hàng gần như không có khách hoặc thi thoảng chỉ có một vài khách vào hỏi mua. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Chợ Hôm - Đức Viên nằm ngay trên mặt tiền phố Huế, vị trí này được xem là đắc địa nhất trong số các chợ truyền thống tại Hà Nội. Tuy nhiên, trái ngược với cảnh tấp nập thường thấy, bên trong chợ lại ảm đạm, khách ra vào thưa thớt. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, bác Hoa, một tiểu thương bán quần áo ở chợ Hôm - Đức Viên cho biết: "Bán hàng tại chợ nhiều năm nay, chưa bao giờ tôi thấy hàng hóa ế ẩm đến như vậy. Tháng 3, tháng 4 được xem là thời điểm đông khách vì nhiều dân buôn họ bắt đầu đi nhập hàng hè về bán rồi. Tuy nhiên, đến giờ, khách vào mua hàng chỉ bằng 1/3 so với mọi năm". Theo bác Hoa, chợ hiện chỉ còn thu hút khách hàng tìm tới để mua thực phẩm, hoa quả trong ngày, còn các mặt hàng khác như vải, giày dép, quần áo đều trong tình trạng ế ẩm.
Ế ẩm, đìu hiu, nhiều ki-ốt đóng cửa, không hoạt động có lẽ là tình cảnh chung của nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội. Mekong ASEAN ghi nhận tại chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khoảng 10-11h sáng, bên trong chợ chỉ có lác đác vài ba quầy bán quần áo. Còn lại hầu hết các quầy hàng khác đều đóng cửa. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Chợ Hàng Da có tổng diện tích 3.700m2, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm nhưng số lượng khách đến chợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều hộ kinh doanh tại đây đã phải treo biển cho thuê, trả lại sạp hàng vội để chuyển sang ngành nghề khác. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Hàng hóa chất đống, buôn bán ế ẩm, các tiểu thương ở đây người ngồi tụm ba, tụm năm nói chuyện; người thì ngồi lướt điện thoại, người thì ngả ghế ngủ... Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tiểu thương chợ Hàng Da đồng loạt trả sạp, vắng khách ra vào. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Chị Lan, một tiểu thương bán quần áo ở chợ Hàng Da cho biết, dù đã mở hàng từ 7h sáng nhưng đến chiều vẫn chỉ có lác đác vài khách ghé vào xem. Vì thế, có hôm phải đến trưa, thậm chí đầu giờ chiều, nhiều chủ quầy mới mở hàng. Tình trạng cả ngày không bán được hàng là điều thường xuyên xảy ra. "Quần áo là một mặt hàng dễ bị tồn kho nhất mà 2 năm nay, khách đến mua ít hơn hẳn ngay cả khi cửa hàng đã treo biển giảm giá, thanh lý. Tôi cũng định bán thêm tầm 4-5 năm nữa rồi mới nghỉ hẳn nhưng tình hình ế ẩm kéo dài như này, e rằng tôi cũng phải sang nhượng cửa hàng sớm. Nhiều ki-ốt ở đây không bán được hàng, họ cũng phải sang nhượng, thậm chí đóng cửa để tìm phương hướng kinh doanh mới," chị Lan chia sẻ với Mekong ASEAN.
Hầu hết các tiểu thương kinh doanh quần áo, mỹ phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội rơi vào cảnh khó khăn, tiền ăn "lậm" vào tiền nhà vì buôn bán ế ẩm kéo dài. Buôn bán vải tại chợ Hàng Da 5 năm, chị Phương chia sẻ: "Sau dịch Covid-19, việc bán hàng bị chậm rất nhiều, nếu so với trước đây, doanh thu chỉ bằng 30-40%. Bây giờ cầm cự bán được ngày nào hay ngày đấy, mong được hòa vốn. Một ngày chỉ bán được 200.000-300.000 đồng, thậm chí có ngày không có khách, không bán được gì trong khi tiền thuê ki-ốt là hơn 250.000 đồng/ngày, còn chưa kể tiền ăn và các chi phí khác".
Vắng khách là tình trạng chung tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trước đây luôn trong cảnh kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp. Tuy nhiên, sau khi chợ được đầu tư xây dựng với nguồn vốn hàng tỷ đồng, chuyển đến vị trí mới, khung cảnh vắng vẻ một cách lạ thường, khiến nhiều tiểu thương đóng cửa. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Nhiều ki-ốt kinh doanh tại các chợ truyền thống Hà Nội bỏ trống. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Theo chị Nga, một tiểu thương tại chợ Đồng Tâm nói: "Có thể do vị trí mới nằm khuất đường lớn, cùng với việc phải mất tiền gửi xe nên người dân quanh đây thường lựa chọn chợ cóc, chợ tạm để mua sắm cho tiện lợi. Hiện chợ chỉ còn các quầy hàng đồ ăn, thực phẩm là hoạt động. Khu vải vóc, quần áo chỉ lác đác vài hộ kinh doanh".