Hà Nội tìm giải pháp nâng chất lượng dịch vụ các bến xe
Hiện nay, hoạt động vận tải trên địa bàn Thành phố do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội quản lý bao gồm 3 phương thức: Vận tải đường sắt đô thị; vận tải đường thủy nội địa và vận tải đường bộ. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp bến xe, vận tải cho rằng, hoạt động vận tải khách tuyến cố định hiện đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ xe dù, bến cóc, xe limousine trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định.
Xe chính thống khó cạnh tranh
Chiều 18/1, Sở GTVT Hà Nội tổ chức đối thoại với các bến xe và đơn vị vận tải để tìm giải pháp thu hút hành khách đến với bến xe, sử dụng vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường chủ trì hội nghị.
Theo Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) hiện mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ trên địa bàn đã kết nối 41 tỉnh, thành phố với 897 tuyến vận tải, 502 đơn vị vận tải, 3.303 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày (trong đó có 38 đơn vị vận tải thuộc Hà Nội, với 450 xe) từ 6 bến xe chính: Bến xe Giáp Bát (diện tích 3,65ha, có Công suất 1.517 chuyến/ngày); Bến xe Gia Lâm (diện tích 1,46ha, có công suất 1.260 chuyến/ngày); Bến xe Mỹ Đình (diện tích 3,27ha, công suất 1.820 chuyến/ngày); Bến xe Yên Nghĩa (diện tích 4,40ha, công suất 1.890 chuyến/ngày); Bến xe Nước Ngầm (diện tích 1,76ha; công suất 1.007 chuyến/ngày); Bến xe Sơn Tây (diện tích 0,45ha, Công suất 288 chuyến/ngày).
Đáng chú ý, hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định tiếp tục được tăng cường, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, các phương tiện phải hoạt động giảm số chuyến, một số thời điểm phải dừng hoạt động. Hiện nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động vận tải đã dần được khôi phục, các đơn vị đã hoạt động dần ổn định trở lại đến nay đạt khoảng 60% so với trước dịch.
Dù có những khởi sắc nhất định tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp bến xe, vận tải cho rằng, hoạt động vận tải khách tuyến cố định hiện đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ xe “dù”, bến “cóc”, xe limousine trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định.
Đại diện Công ty cổ phần Xe khách Hà Nộ cho biếti, trong các năm qua, các cơ quan liên quan đều nhận diện được nguyên nhân dẫn tới việc xe “dù”, bến “cóc” phát triển rầm rộ. Nhiều đơn vị vận tải hoạt động “lách” luật hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng vi phạm không giảm.
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này, đại diện Phòng Quản lý Vận tải cho biết, mặc dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Thanh tra Sở GTVT và các lực lượng chức năng được tăng cường. Tuy nhiên, với nhu cầu của xã hội liên quan đến hoạt động vận tải ngày càng tăng cao nên các xe tuyến cố định bỏ bến, chạy sai hành trình vẫn diễn ra trên một số tuyến đường khi không có lực lượng kiểm tra; xe ôtô dừng đón, trả khách trên các tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe có lúc, có nơi vẫn còn tái diễn, gây cản trở giao thông, bức xúc trong dư luận.
Xe hợp đồng vận chuyển hành khách từ 16 chỗ ngồi đến dưới 10 chỗ ngồi có lộ trình hoạt động cố định như xe khách tuyến cố định sử dụng các địa điểm văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp vận tải để đón, trả khách vẫn tồn tại.
Phải "bắt tay" nâng chất lượng dịch vụ
Theo Sở GTVT Hà Nội, sở dĩ các bến xe chưa thu hút được hành khách một phần xuất phát bởi hạ tầng giao thông và hạ tầng bến xe chưa được đầu tư đồng bộ; tổ chức vận hành bến xe chưa khoa học, tổ chức giao thông tại một số bến xe còn chưa khoa học, chưa thuận lợi cho xe ra vào bến;
Ngoài ra, vị trí địa lý giữa các bến xe trên cùng một hướng tuyến còn gần nhau. Trong kho đó, xu hướng chính của quá trình đô thị hóa là các bến xe khách liên tỉnh sẽ dịch chuyển dần ra khỏi khu vực trung tâm Thành phố và việc di chuyển giữa các bến xe khách liên tỉnh vào trung tâm thành phố sẽ do hệ thống giao thông công cộng nội đô đảm nhận.
Thứ nữa, sau khi điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn Thành phố, một số tuyến vận tải sau khi ghép tuyến có lưu lượng xe xuất bến lớn, phải bố trí giờ xe xuất phát dày (từ 5-10 phút/chuyến), việc cắt giảm số chuyến trên một số tuyến đã được Sở GTVT Hà Nội thường xuyên quan tâm, phối hợp với Sở GTVT đầu đối lưu để đề xuất với Bộ GTVT điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách nên chưa thực hiện được.
Mặt khác, tại một số khu vực (tập trung chủ yếu tại các bến xe khách) phát sinh tình trạng xe hợp đồng “trá hình” hoạt động đón trả khách sai quy định do nhu cầu của người dân. Với thực trạng này vẫn chưa có biện pháp chế tài mạnh mẽ đối với các đơn vị vi phạm nhiều lần nhưng vẫn tái phạm nhằm răn đe, hạn chế vi phạm như: tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép vận tải...;
Các phương tiện xe hợp đồng, du lịch không bị hạn chế đi vào phố nên thường lợi dụng để dừng, đỗ đón, trả khách tại khu vực không cấm dừng, đỗ xe; đồng thời, tâm lý hành khách ngại khó khăn đi lại, chờ đợi phiền phức, mất thời gian, muốn được đưa đón tận nơi… nên không vào các bến xe liên tỉnh để mua vé, di chuyển hoặc đón xe tại các điểm đã được Sở GTVT công bố mà đón xe dọc đường, nên đã phát sinh tụ điểm “bến cóc”.
Ghi nhận những khó khăn cũng như nỗ lực của các đơn vị vận tải, đơn vị quản lý bến xe, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận diện rõ những bất cập về xe dù, bến cóc và đang nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, các bến xe và doanh nghiệp vận tải phải phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhau để cùng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó thu hút hành khách.