Hà Nội: Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn cao
Tính đến hết tháng 4/2024, toàn Thành phố Hà Nội có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.
Ngày 13/5, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).
Theo ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội: Hiện nay, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 2,05 triệu người, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023; đạt 88,93% kế hoạch. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4/2024, toàn Thành phố có 93.539 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT. Tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.
Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.
Theo thống kê, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 công đoàn cơ sở trực thuộc; với tổng số 9.208 công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên công đoàn.
Trong thời gian qua, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố vẫn giữ được ổn định; số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, … ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn. Các thiết chế về Hội đồng quan hệ lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động Thành phố đã được thành lập và hoạt động hiệu quả; vai trò đại diện, tham gia quản lý của tổ chức Công đoàn các cấp được khẳng định. Từ đó góp phần vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn Thành phố.
Do đó, LĐLĐ Thành phố đã chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 75,5%; tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động đạt 74,3%,... Qua đó, đã phát huy dân chủ, nắm bắt tâm tư, tình cảm và kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển.