Hà Nội và Lâm Đồng hợp tác phát triển ngành nghề, làng nghề và chuỗi liên kết

Ngày 25-4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng đã làm việc về hợp tác phát triển ngành nghề, làng nghề, chuỗi liên kết giữa hai địa phương.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, toàn tỉnh có 66.873ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng 6.647ha so với năm 2020. Trong đó, vùng nguyên liệu dâu tằm toàn tỉnh Lâm Đồng mỗi năm trồng mới khoảng 700ha, diện tích chuyển đổi sang giống dâu mới năng suất cao khoảng 300ha, năng suất bình quân từ 22-23 tấn/ha.

Toàn tỉnh có hơn 150 cơ sở thu mua kén, 36 cơ sở ươm tơ (công suất 1 tấn kén/cơ sở/ngày). Sản phẩm tơ sợi, tơ thô của Lâm Đồng xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc… UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp Bằng công nhận 6 làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 3, Đông Anh 5 (Lâm Hà); Lộc Tân (Bảo Lâm); Đắk Măng (Đam Rông); Xuân Phong, Đạ Kho (Đạ Huai).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Đến nay, dâu tằm của Lâm Đồng chiếm 70% diện tích, sản lượng tơ lụa chế biến chiếm trên 70% sản lượng kén tằm cả nước. Tỉnh có khoảng 630 nông hộ tham gia 12 chuỗi liên kết cấp tỉnh và cấp huyện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tơ tằm…

Về phía Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Hoa cho biết, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có 2 làng: Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Sản phẩm làng nghề Hà Nội xuất khẩu sang thị trường 89 nước và vùng lãnh thổ, trong đó chiếm phần lớn thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông…

Hiện nhu cầu ổn định nguồn nguyên liệu đối với các làng nghề Hà Nội dự kiến 50.000 tấn/năm tơ tằm đối với nghề dệt, thêu; 10.000 tấn đất sét trắng, cao lanh cho nhu cầu sản xuất gốm sứ… Hà Nội mong muốn phối hợp với Lâm Đồng liên kết tổ chức thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm tơ tằm nói riêng.

Các cơ sở sản xuất tơ và lụa của Lâm Đồng và Hà Nội ký kết hợp tác liên kết chuỗi. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Các cơ sở sản xuất tơ và lụa của Lâm Đồng và Hà Nội ký kết hợp tác liên kết chuỗi. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Tại hội nghị, các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội đăng ký nhu cầu tiêu thụ tơ tằm Lâm Đồng theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm từ quy trình kỹ thuật sản xuất đến thu hoạch, được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cung cấp thông tin, trao đổi các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sơ sản xuất, nông hộ liên kết sản xuất tập trung, phù hợp điều kiện thời tiết, đất đai từng vùng.

Đặc biệt, trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại về lĩnh vực tơ tằm quy mô cả nước và quốc tế, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Lâm Đồng và Hà Nội kết nối giao thương, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định lâu dài.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-va-lam-dong-hop-tac-phat-trien-nganh-nghe-lang-nghe-va-chuoi-lien-ket-700377.html