Hà Nội xây cầu Tứ Liên bằng vốn đầu tư công, không sử dụng vốn PPP
Nguồn vốn đầu tư lớn, được tư vấn tính toán hơn 19.000 tỷ đồng (gấp nhiều lần cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2) nhưng thông tin với PV Tiền Phong, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, sẽ sử dụng vốn đầu tư công để xây cầu Tứ Liên, không sử dụng vốn theo hình thức đối tác công tư như phương án ban đầu.
Lý giải cho việc này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, cầu Tứ Liên là một trong 3 cầu trọng điểm cần xây dựng sớm để giảm ùn tắc giao thông, giúp sớm hoàn thiện quy hoạch hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai bên bờ sông Hồng cũng như trên địa bàn thành phố khu vực các quận nói chung.
“Từ thực tế trên, để cầu Tứ Liên rút ngắn các trình tự về thủ tục, giúp dự án cầu nhanh chóng hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, quá trình xây dựng, thành phố đã thống nhất chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên bằng nguồn đầu tư công” - đại diện UBND thành phố Hà Nội thông tin.
Cầu Tứ Liên là một trong 18 cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Đến thời điểm hiện nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 9 cầu, bao gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang. 9 cầu thành phố đang chuẩn bị các bước chuẩn bị đầu tư và công tác huy động vốn để thực hiện, gồm: Cầu Vân Phúc; cầu Hồng Hà; cầu Thượng Cát; cầu Thăng Long mới; cầu Tứ Liên; cầu Mễ Sở; cầu Trần Hưng Đạo; cầu Phú Xuyên; cầu Ngọc Hồi.
Dự án cầu Tứ Liên được UBND thành phố phê duyệt tại quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 30/3/2020. Thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội giao Ban Giao thông chủ trì, phối hợp với Sở GTVT Hà Nội các đơn vị Tư vấn tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên). Trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.
Cầu có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh. Tổng mức đầu tư được dự toán sơ bộ là hơn 19.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, trong quá trình thành phố Hà Nội chuẩn bị các bước đầu tư trong đó có công tác huy động vốn để thực hiện dự án, có một nhà đầu tư muốn tham gia dự án bằng hình thức đầu tư BT. Cụ thể, tháng 10/2024, đại diện một tập đoàn chuyên về bất động sản cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT).
Đại diện này cho hay, dự án cầu Tứ Liên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội, nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án kết nối bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên (Quận Tây Hồ) với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh, đồng thời kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Vành đai 3.
Trước đó, thông tin với PV Tiền Phong về tiến độ khởi công cầu Tứ Liên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi các đơn vị có trách nhiệm như Sở GTVT, Ban Ban Giao thông hoàn thành các thủ tục đầu tư, thành phố có kế hoạch sẽ khởi công cầu Tứ Liên vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/2025.