Hà Nội yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm trong dịp nghỉ hè
Nhằm đảm bảo quyền lợi, sự an toàn và phát triển toàn diện của học sinh, cũng như tuân thủ các quy định về hoạt động giáo dục trong thời gian này.
Theo Kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè năm nay.
Cụ thể, bên cạnh các vấn đề bảo đảm an toàn trong chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh, Kế hoạch còn nhấn mạnh: Các cơ sở giáo dục cần lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho các học sinh yếu, kém; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, không tổ chức dạy trước chương trình; không tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp trong năm học 2025 - 2026.

Trường tiểu học Thăng Long thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định dạy thêm, học thêm.
Đối với cấp học phổ thông, khi kết thúc năm học, nhà trường chủ động phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội đồng Đội tại địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động hè, tổ chức bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương và tiếp nhận học sinh trở lại khi tựu trường năm học mới.
Các hoạt động trong hè tập trung vào các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phổ biến giáo dục pháp luật; tuyên truyền phòng, chống thiên tai, tai nạn thương tích, đuối nước, tai nạn giao thông, xâm hại, bạo lực trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, dịch bệnh, các chất gây nghiện như tem giấy, bùa lưỡi, trà sữa, bánh quy... nhằm nâng cao ý thức phòng tránh các nguy cơ, rủi ro cho học sinh.
Cùng với đó, nhà trường cần phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương để phát hiện, xử lý kịp thời các học sinh có biểu hiện chưa ngoan; kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo học sinh tham gia các tệ nạn xã hội, hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái phép hoặc các hoạt động vi phạm pháp luật.
Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về chính sách trả lương dạy thêm cho giáo viên
Một số điểm mới về công tác quản lý dạy thêm, học thêm
Ngoài ra, nhà trường và địa phương cần phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng sống, thể dục thể thao; khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tích cực, bổ ích trong dịp hè.
Riêng đối với cấp học mầm non, căn cứ vào điều kiện thực tế và nhu cầu gửi con của phụ huynh (các phụ huynh có đơn xin học hè), cũng như tinh thần tự nguyện của giáo viên đăng ký làm việc trong hè, các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hè, báo cáo UBND xã, phường, thị trấn (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) và phòng Giáo dục và Đào tạo.
Cơ sở giáo dục mầm non cần thực hiện tốt công tác quản lý, duy trì đội ngũ trực hè, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ mọi lúc mọi nơi; thực hiện chế độ thu, chi rõ ràng, thỏa thuận với phụ huynh và được sự đồng ý của cấp quản lý.
Sở GD&ĐT Hà nội cũng lưu ý, đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các cơ sở cần lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, kỹ năng cần thiết để giúp trẻ nhanh chóng thích nghi, chuẩn bị tâm thế cho bước vào lớp 1, góp phần hình thành nền tảng vững chắc cho trẻ bước vào các cấp học tiếp theo.
Trước đó, ngày 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGD (gọi tắt là Thông tư 29) chính thức có hiệu lực. Đây là thông tư quy định nhiều điểm mới về việc dạy thêm, học thêm, thu hút sự quan tâm của hàng triệu giáo viên và phụ huynh trên cả nước.